Kông Chro: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 2 tháng kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên (3-6), đến nay, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Kông Chro vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện vì căn bệnh này.

Thực trạng đáng lo ngại
 

Hầu như các giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện đều kín bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Hồng Thi
Hầu như các giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện đều kín bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Hồng Thi

Bác sĩ Phan Văn Chơi-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro, cho hay, tính đến 10 giờ sáng 14-8, đơn vị đã tiếp nhận tổng cộng 183 ca nhập viện điều trị với biểu hiện ban đầu như: sốt cao, đau họng, nhức hai hốc mắt, cơ, xương khớp… Trong đó, có 20 ca đã chuyển tuyến trên vì diễn biến bệnh nặng hoặc theo yêu cầu của gia đình; không có trường hợp nào tử vong. Người mắc bệnh được thống kê thuộc các xã: Kông Yang (13 ca), Chơ Long (3 ca), Yang Trung (9 ca), An Trung (3 ca), Đak Tơ Pang (2 ca), Đak Pơ Pho (3 ca) và đông nhất là thị trấn Kông Chro với 150 ca.

Có mặt tại Khoa Nội-Nhi-Lây-Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế huyện, phóng viên nhận thấy, hầu hết các giường bệnh đều kín bệnh nhân, chỉ trống một số ít do người bệnh mới được xuất viện hoặc chuyển viện. Ngồi bên cạnh chăm sóc cho cậu con trai nhỏ đang khóc rưng rức, anh Hoàng Hữu Công (làng Cúc, xã Đak Pơ Pho) sốt ruột chia sẻ: “Gia đình phát hiện cháu bị sốt cao vào tối 13-8 nên vội vàng đưa cháu lên khám. Bác sĩ bảo cháu bị sốt xuất huyết nên phải nhập viện theo dõi và điều trị. Dù đã hạ sốt nhưng cháu cứ khóc miết vì đau đầu, nhức mỏi tay chân. Tôi lo lắm!”.

Tương tự, anh Nguyễn Duy Vị (tổ dân phố 2, thị trấn Kông Chro) cũng tâm sự rằng, anh nằm viện đã được 2 ngày. Cách đây 1 tháng, con gái anh (4 tuổi) cũng mắc sốt xuất huyết và phải nhập viện điều trị. “Gần nơi tôi ở rất nhiều người bị bệnh, thậm chí có gia đình tất cả các thành viên vào viện cùng thời điểm vì sốt xuất huyết. Hiện căn bệnh này đang lây lan khắp thị trấn rồi”-anh Vị e ngại.

Theo bác sĩ Chơi, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 là giai đoạn số người nhập viện vì sốt xuất huyết tăng cao nhất với trung bình 10-15 bệnh nhân mới mỗi ngày, đêm. “Cùng với số người bệnh cũ, chúng tôi phải điều trị cho khoảng 70-80 trường hợp. Sau ngày 12-8, bệnh nhân nhập viện có xu hướng giảm, mỗi ngày Trung tâm chỉ tiếp nhận 1 bệnh nhân. Đến nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại đây còn 30 người”-bác sĩ Chơi cho biết thêm.
    
Tập trung đẩy lùi bệnh   

 

Bác sĩ đang theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe cho con trai anh Công. Ảnh: Hồng Thi
Bác sĩ đang theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe cho con trai anh Công. Ảnh: Hồng Thi

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi và ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch trên diện rộng. Theo đó, ngày 24-7, Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh huyện Kông Chro đã họp và có chỉ đạo cho Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện chủ động công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; đồng thời, xuất 25 triệu đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho công tác này.

Ban Y tế Dự phòng đã phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể của huyện đến từng hộ gia đình tại thị trấn Kông Chro-nơi bệnh đang diễn biến phức tạp nhất-lật úp các dụng cụ chứa nước tù đọng; thả cá vào các bể chứa nước sinh hoạt của người dân và cơ quan để diệt bọ gậy; đồng thời tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành Aedesaegypti sau khi vệ sinh môi trường. Qua kiểm tra 1.216/1.367 hộ, đoàn đã phát hiện bọ gậy trong nước tại 329 hộ; số dụng cụ chứa nước có bọ gậy là 723/7.452. Riêng Trạm Y tế ở những xã chưa có bệnh nhân sốt xuất huyết cũng đã được chỉ đạo tập trung vệ sinh môi trường trong và quanh nhà, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực phòng-chống bệnh.
    
Ông Huỳnh Năm-Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro, cho hay: “Chính quyền thị trấn đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức 2 đợt ra quân diệt bọ gậy, phá hủy nơi muỗi có thể sinh sản và tuyên truyền người dân tham gia phòng-chống bệnh sốt xuất huyết với trên 2.000 lượt. Tuy vậy, số người mắc bệnh trên địa bàn vẫn còn khá cao, tính đến ngày 11-8 có tổng cộng 98 ca”.
    
Ngoài ra, tại Trung tâm Y tế huyện, từ Khoa Khám bệnh đến các khoa lâm sàng đều được tập huấn và tổ chức tiếp nhận, khám, phân loại và điều trị các ca bệnh theo phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, Trung tâm luôn đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư tiêu hao và trang-thiết bị phục vụ đáp ứng công tác điều trị.

Nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Kông Chro diễn biến phức tạp, theo trình bày của bác sĩ Chơi là do thời gian này thời tiết thất thường, sáng nắng chiều mưa, nhiệt độ vô cùng thích hợp cho muỗi sinh sản và phát triển. Trong khi đó, dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều hộ dân trong huyện vẫn chưa có ý thức tự giác trong việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở cũng như kiểm tra các dụng cụ chứa nước có bọ gậy mà ỷ lại cho ngành Y tế; thậm chí một số hộ tỏ thái độ không hợp tác khi đoàn chức năng đến kiểm tra và hỗ trợ phòng bệnh. “Cứ tiếp diễn như thế này mà không có cải thiện, khả năng bệnh sốt xuất huyết lan ra diện rộng thành dịch và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân là khá cao”-bác sĩ Chơi nhận định.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm