(GLO)- Ngay từ đầu năm, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án gắn với các biện pháp ứng phó bão lụt để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra.
Trong mùa mưa bão năm 2021, trên địa bàn xã Đak Tơ Pang có nhiều nhà ở, công trình thủy lợi, trường học, sân thể thao bị hư hỏng; một số tuyến đường liên xã bị sạt lở, cản trở việc đi lại, giao thương và làm gián đoạn hoạt động sản xuất của người dân. Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Rút kinh nghiệm năm trước, đến nay, xã cơ bản hoàn thành việc chuẩn bị về vật tư, thiết bị, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng-chống lũ lụt và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, xã có phương án xử lý cụ thể cho các điểm xung yếu, dễ bị ngập nước, gây nguy hiểm cho người dân đi lại như: khu vực ngầm tràn các làng Kpiêu Kông, Brăng, Đak Hway; một số điểm dễ sạt lở nguy hiểm dọc hai bên tuyến đường từ ngầm bãi vàng về trụ sở UBND xã. “Chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không được lưu thông qua các khu vực xung yếu khi mưa lớn. Sau mưa bão, xã kịp thời kiểm tra các khu vực xung yếu để có biện pháp khắc phục. Đối với gần 600 người dân ở làng Kpiêu Kông và Đak Hway do nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét nên chúng tôi đã xây dựng phương án di dời nếu có mưa bão lớn xảy ra”-ông Cường cho biết.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kông Chro đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và xây dựng phương án, kế hoạch phòng-chống bão, lũ. Ảnh: Ngọc Minh |
Nhằm chủ động và phối hợp hiệu quả trong công tác phòng-chống bão lụt trên địa bàn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kông Chro cũng sớm xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó. Trung tá Nguyễn Xuân Hải-Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị-thông tin: Đơn vị đã kiện toàn lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 2 trung đội dân quân cơ động, dự bị động viên; duy trì chế độ trực ban, trực chỉ huy 24/24 giờ. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, tiếp nhận xử lý thông tin về thiên tai, thảm họa, qua đó nhận định đúng, sát tình hình, thông báo, báo động và tham mưu đề xuất các biện pháp ứng phó đảm bảo kịp thời.
“Ngoài ra, đơn vị cũng tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương đầu tư mua sắm các loại phương tiện, trang bị phục vụ công tác ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức tập huấn lực lượng cứu hộ, cứu nạn kiêm nhiệm; giúp Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng các loại phương tiện, trang-thiết bị, công tác đầu tư trang-thiết bị bảo đảm cơ động trong các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, chủ động hiệp đồng với Sư đoàn Bộ binh 2 chi viện ứng cứu khi xảy ra thiên tai, thảm họa”-Trung tá Hải nói.
Đến nay, huyện Kông Chro đã hoàn thành việc chuẩn bị các loại vật tư, thiết bị, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác PCTT và TKCN trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh |
Kông Chro là địa phương thường xảy ra giông lốc, sạt lở đất, nước sông, suối dâng cao khi có mưa bão, gây thiệt hại lớn về tài sản và con người. Trước mùa mưa bão năm nay, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống thiên tai trên toàn địa bàn. Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong phương án ứng phó với thiên tai năm 2022, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với chỉ đạo ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); xây dựng kịch bản chi tiết cho từng địa phương; xây dựng phương án sơ tán dân; dự kiến lực lượng huy động ứng phó khi bão lũ xảy ra. Đồng thời, huyện tổng hợp dự kiến phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm…; qua đó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai, thảm họa gây ra.
NGỌC MINH