Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kông Chro chủ động ứng phó với thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Kông Chro (Gia Lai) có địa hình đồi núi phức tạp với nhiều sông suối, thời tiết lại luôn diễn biến bất thường nên thường xảy ra giông tố, lốc xoáy, lũ lụt. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trên địa bàn huyện Kông Chro hiện có 4 công trình thủy điện, gồm: Đak Srông, Đak Srông A, Đak Srông 2A, Đak Pi Hao. Địa hình của huyện có nhiều sông suối, đồi núi khá phức tạp. Đặc biệt, huyện có sông Ba chảy qua địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc hạ lưu của Thủy điện An Khê-Ka Nak. Do đó, mỗi mùa mưa bão, khi các thủy điện xả lũ, nhiều khu vực ở các xã, thị trấn xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất... 
Huyện Kông Chro đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khẩn trương gia cố các công trình giao thông trước mùa mưa bão. Ảnh: Quang Tấn
Huyện Kông Chro đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khẩn trương gia cố các công trình giao thông trước mùa mưa bão. Ảnh: Quang Tấn
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Kông Chro, trong mùa mưa bão năm 2017, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều đợt thiên tai lớn gây ảnh hưởng đến nhà cửa, hoa màu, vật nuôi và nhiều công trình công cộng. Đặc biệt, cơn bão số 12 vào đầu tháng 12-2017 đã gây thiệt hại hơn 4.779 ha hoa màu, làm tốc mái 47 căn nhà, sập hoàn toàn 9 nhà sàn của người dân và nhiều công trình công cộng. Tổng thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra ước hơn 7,1 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về công trình công cộng là 435 triệu đồng, nhà ở của nhân dân là 1,39 tỷ đồng, thiệt hại về sản xuất nông-lâm nghiệp hơn 5,2 tỷ đồng.  
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện, mùa mưa bão năm 2018 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra, khảo sát, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kông Chro xác định, trên địa bàn huyện có 21 điểm nằm trong khu vực xung yếu. Trong số này, 6 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét với số người dân cần sơ tán khi xảy ra sự cố là hơn 1.000 người; 4 điểm có nguy cơ xảy ra vỡ đập thủy điện (làng Byang, thị trấn Kông Chro; làng Ya Ma, xã Yang Nam; làng Ya Ma Kur, xã Đak Kơ Ning; làng Tpé 1, xã Chơ Long) với số người cần sơ tán khi xảy ra sự cố là 135 người; 4 điểm có nguy cơ xảy ra lốc xoáy với số người cần sơ tán là 774 người…
Vì vậy, để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa 2018, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống lụt bão sát với thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn, phòng chuyên môn, thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách thôn, làng thường xuyên bám sát địa bàn, rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ, triển khai di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các đập thủy điện, thủy lợi. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, tổ chức trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra do mưa bão.
Người dân không nên qua lại các ngầm khi nước lũ chảy xiết. Ảnh: Quang Tấn
Người dân không nên qua lại các ngầm khi nước lũ chảy xiết. Ảnh: Quang Tấn
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kông Chro-cho biết: “Với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay trước mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khẩn trương gia cố các công trình giao thông, thủy lợi ở những điểm xung yếu, thường bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Phân công lực lượng tổ chức trực 24/24 giờ ở những nơi thường xuyên bị cô lập, lũ quét, sạt lở đất, nhất là vùng ven sông suối, sườn đồi, hồ đập khi xảy ra mưa lớn. Phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về nguy cơ thiệt hại và những kiến thức, kinh nghiệm ứng phó khi xảy ra thiên tai, giúp người dân nâng cao cảnh giác, kịp thời sơ tán người, tài sản đến vị trí an toàn… Đồng thời, chủ động chuẩn bị và sử dụng ngân sách địa phương để triển khai công tác PCTT và hỗ trợ nhân dân khắc phục nhanh thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống”.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hưng, địa phương vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng-chống lũ bão như nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế gây khó khăn trong công tác tuyên truyền; trang-thiết bị phục vụ công tác phòng-chống lụt bão như áo phao, phao cứu sinh… còn thiếu. Đặc biệt, huyện hiện không có thuyền, ca nô cứu hộ nên trường hợp xảy ra lũ lớn như năm 2009 và 2013 thì sẽ rất bị động trong công tác cứu hộ. 
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm