Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Krông Pa: Khắc phục tình trạng nước nhiễm bẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, Trạm cấp nước sinh hoạt huyện Krông Pa đã tạm thời sử dụng lại trạm bơm cũ để đảm bảo nguồn nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn.

Ông Phạm Quốc Phong-Trạm trưởng Trạm cấp nước sinh hoạt huyện Krông Pa-cho biết: Từ ngày 4 đến 5-7, trạm đã thông báo ngừng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn để tiến hành xả toàn bộ lượng nước đã bị nhiễm cặn bẩn tích tụ lâu nay trong các đường ống chính và đường ống nhánh dẫn đến nhà dân.

 

Đơn vị cấp nước tạm thời sử dụng nước lấy từ suối Mlah xử lý rồi cấp cho người dân sử dụng. Ảnh: M.N
Đơn vị cấp nước tạm thời sử dụng nước lấy từ suối Mlah xử lý rồi cấp cho người dân sử dụng. Ảnh: M.N

Theo ông Phong, giải pháp tạm thời hiện nay là tái sử dụng trạm bơm cũ trước đây. Thay vì lấy nước từ hồ thủy lợi Ia Mlah, trạm bơm cũ sẽ lấy nước trực tiếp của suối Mlah gần đó để bơm lên các bể chứa rồi lắng lọc qua hệ thống xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. “Hiện giờ, chúng tôi sử dụng toàn bộ nguồn nước từ suối Mlah thông qua việc phục hồi trạm bơm cũ trước đây. Tạm thời, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vẫn đảm bảo khối lượng nhưng về lâu dài, nếu dòng suối cạn kiệt thì chúng tôi có thể sẽ pha thêm một phần lượng nước lấy từ hồ thủy lợi Ia Mlah”-ông Phong nêu giải pháp.

Theo ông Phong, nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm bẩn là do nước lấy từ hồ thủy lợi Ia Mlah về bể chứa nước xử lý của trạm có hàm lượng sắt quá cao, trong khi trạm không có hệ thống xử lý. Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Tới mùa nắng hạn, tình trạng nước sinh hoạt có màu đục đỏ, có mùi tanh xuất hiện thường xuyên hơn. Qua nhiều lần xét nghiệm cho thấy hàm lượng sắt và mangan trong nước rất cao, nhất là hàm lượng sắt. Theo ông Khanh, nguyên nhân ban đầu được các cơ quan chuyên môn xác định là do cấu tạo địa tầng, tại nơi nguồn nước có mỏ sắt. Ngoài ra, trong quá trình đóng cửa hồ tích nước do không có kinh phí để dọn vệ sinh lòng hồ nên lượng cây cối nằm lại dưới lòng hồ còn rất lớn, khi bị phân hủy cũng làm nguồn nước nhiễm bẩn. Thêm vào đó, đường ống lấy nước về trạm cấp nước để xử lý lại nằm dưới tầng đáy cùng với hệ thống đường ống thủy lợi nên lượng nước cặn bẩn ở đáy hồ cũng hút theo đường ống này.

“Năm ngoái, UBND huyện cũng đã chỉ đạo đơn vị chức năng sục rửa đường ống, vệ sinh bể chứa nước, tăng cường trang-thiết bị lọc nước nhưng tình hình không được cải thiện. Đầu năm 2018, huyện đã thuê đơn vị tư vấn có uy tín, có năng lực tiến hành khảo sát và tìm ra nguyên nhân chính khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn. Đơn vị này cũng đưa ra giải pháp giảm hàm lượng sắt trong nước bằng cách xây dựng thêm các bể xử lý phun mưa với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ đồng. Hiện phương án này đang được tính toán chi tiết vì nguồn vốn chưa có, chờ xin kinh phí của tỉnh”-ông Khanh cho biết thêm.

Trước đó, theo phản ánh từ người dân, tình trạng nước sinh hoạt có màu đỏ đục, mùi tanh và có nhiều tạp chất xuất hiện trở lại từ tháng 5-2017 đến nay. Do không còn nguồn nước nào khác để sử dụng nên các hộ dân tại đây đã dùng vải màn lọc hoặc xây dựng bể chứa để lọc nước. Tuy nhiên, nước sau khi lọc cũng chỉ dùng để tắm giặt, còn nấu ăn thì phải mua nước bình. Ông Nguyễn Văn Quảng-Tổ trưởng tổ dân phố 1 (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) xác nhận: “Người dân liên tục phản ánh tình trạng nước bẩn, nước đỏ ngầu, có mùi tanh. Chúng tôi mong các cấp, các ngành có biện pháp xử lý nguồn nước”.

Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân, UBND huyện Krông Pa đã có văn bản yêu cầu Trạm cấp nước phối hợp với các đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát về chất lượng nước và tình trạng hoạt động của máy móc thiết bị; thường xuyên súc rửa hệ thống ống theo định kỳ. Hy vọng thời gian tới, huyện Krông Pa sẽ sớm khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm để người dân yên tâm.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm