(GLO)- Việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng tại huyện Krông Pa đang gặp không ít khó khăn.
Kết quả khiêm tốn
Theo ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tổng diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm cần thu hồi trên địa bàn huyện vào khoảng 6.500 ha. Trong số này, người dân sẽ được duy trì canh tác 30% diện tích, 70% diện tích còn lại được chuyển qua trồng rừng tập trung (trồng keo lá tràm). Đến nay, toàn huyện đã có 1.829 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm với hơn 2.952 ha. Trong đó, năm 2017 có 1.468 hộ kê khai với diện tích 2.466,8 ha; năm 2018 có 275 hộ kê khai với 420,5 ha và từ đầu năm 2019 đến nay có thêm 86 hộ kê khai với hơn 65 ha.
Từ khi bắt tay thực hiện thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng theo Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh, huyện Krông Pa đã thành lập Ban chỉ đạo tại 13/13 xã. Huyện cũng đã tổ chức được 29 đợt vận động, tuyên truyền, họp dân với khoảng 4.500 lượt người tham dự; phát 7.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền chính sách của Nhà nước về công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây keo lá tràm cho người dân. Tuy nhiên, năm 2018, toàn huyện chỉ có 149 hộ dân đăng ký và thực hiện trồng rừng với tổng diện tích hơn 153,8 ha/400 ha chỉ tiêu được giao. Phần lớn diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn huyện do các ban Quản lý Rừng phòng hộ và doanh nghiệp thực hiện.
Chuẩn bị cây giống phát cho người dân trồng rừng. Ảnh internet |
Điều đáng nói, trong số 153,85 ha rừng trồng tập trung đã thực hiện trong năm 2018 thì qua kiểm tra, rà soát, diện tích cây còn sống chỉ đạt 56,21 ha, tương đương 36,53%. Nguyên nhân dẫn đến cây bị chết là bởi thời tiết không thuận lợi. “Huyện tổ chức trồng 2 đợt vào tháng 8 và tháng 10. Tuy nhiên, khi chuẩn bị trồng thì thời tiết mưa nhiều, trồng xong trời chuyển nắng kéo dài nên nhiều cây thiếu nước và bị chết. Có nơi người dân đăng ký trồng rừng nhưng vẫn xen canh mì, cây mì lớn nhanh hơn đã phủ bóng khiến cây keo lá tràm bị cớm nắng, chậm phát triển hoặc chết. Thậm chí, trong quá trình thu hoạch mì, nhiều hộ không cẩn thận giẫm đạp lên cây trồng rừng hay khi cày đất làm vụ mới gây ảnh hưởng đến cây rừng trồng”-ông Dụng cho biết.
Người dân chưa mặn mà với việc trồng rừng
Thực tế trên cho thấy, người dân ở huyện Krông Pa vẫn chưa mặn mà với việc trồng rừng trên đất lấn chiếm nên hiệu quả chương trình đem lại chưa cao. Ông Nông Đức Công-Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng-cho hay: “Cái khó nhất là người dân đang canh tác ổn định, đem lại nguồn thu nhập đều đặn hàng năm, nay chuyển qua trồng rừng phải 5-7 năm mới cho khai thác sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và khó đảm bảo đời sống trước mắt. Chưa kể, phần lớn số hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, hộ dân tộc thiểu số”.
Về vấn đề này, ông Vũ Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah-cho rằng: Rất nhiều hộ không muốn khai báo diện tích đất rừng đã lấn chiếm vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi. Do đó, xã phải căn cứ trên bản đồ nền để yêu cầu các hộ kê khai đúng thực tế đã lấn chiếm, sau đó vận động, thuyết phục họ chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. “Mức hỗ trợ trồng rừng 2 triệu đồng/ha chưa khuyến khích người dân tham gia. Đồng thời, người dân lo ngại đến khi thu hoạch, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm liệu có đảm bảo”-ông Huy nêu thực tế. Cũng theo ông Huy, năm 2018, xã Ia Mlah được giao chỉ tiêu trồng 50 ha rừng tập trung trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng chỉ thực hiện được 13 ha, trong đó có 11 ha phát triển tốt. Năm nay, xã tiếp tục được giao chỉ tiêu trồng 10 ha rừng (gồm 8 ha trồng mới và 2 ha trồng dặm). Dù sắp bước vào thời điểm trồng rừng nhưng xã mới chỉ vận động được 4 hộ đăng ký tham gia trồng cây keo lá tràm với diện tích 4,2 ha.
Theo kế hoạch năm 2019, huyện Krông Pa sẽ trồng 100 ha rừng tập trung trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Ông Dụng thẳng thắn nhìn nhận: Trên thực tế, để người dân đồng thuận và hưởng ứng chủ trương này vẫn còn rất nhiều khó khăn, không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. “Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng có lúc, có nơi chưa tốt khiến việc vận động người dân tham gia gặp nhiều khó khăn; cán bộ thiếu trang-thiết bị, phương tiện hỗ trợ xác định vị trí ngoài thực địa; người dân các vùng khác đến xâm canh tại địa phương khiến việc thu hồi, giao trồng rừng gặp không ít trở ngại… Đặc biệt, tại địa phương chưa hình thành được phong trào trồng rừng với những hạt nhân cụ thể để bà con có thể tin tưởng làm theo. Đồng thời, trên địa bàn huyện cũng chưa có điểm thu mua hoặc nhà máy chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng nên người dân có tâm lý lo ngại vấn đề đầu ra sau này”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa chỉ rõ.
LÊ HÒA