Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Krông Pa: Khó kiểm soát xe độ chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại huyện Krông Pa, Gia Lai mọi người không khó bắt gặp những chiếc xe máy đã được người dân độ chế lưu thông trên khắp các tuyến đường liên xã. Nhìn chúng có lẽ không ai có thể nhận ra đây từng là chiếc xe máy bởi đã được “độ” lại gần như hoàn toàn từ máy, khung xe… miễn sao chịu được đường rừng, đồi dốc và lầy lội.

Biết cấm nhưng vẫn dùng

Tại các tuyến đường liên xã, liên thôn hay dưới gầm các ngôi nhà sàn ở nhiều buôn làng trên địa bàn huyện Krông Pa, hình ảnh rất dễ bắt gặp là các xe máy độ chế với đủ các chủng loại, kích cỡ. Chúng chủ yếu được người dân dùng để đi rẫy, chở củi và các mặt hàng nông sản như: mì, thuốc lá, bắp… Anh Vũ Văn Thiết-chủ tiệm sửa xe máy thôn Điểm 9 (xã Uar) cho biết: Muốn chở được nhiều thì buộc phải độ lại xe. Ngoài việc làm lại baga (phần yên xe phía sau người lái) thì còn phải tiến hành xoáy nòng, thay bộ nhông lớn và tăng thêm nhún. Chi phí để “độ” một chiếc xe từ 2 đến 7 triệu đồng. Theo anh Nay Búi (buôn Bla, xã Ia Rmok), sau khi “độ” lại, xe chở được rất nhiều hàng hóa. “Trong buôn có rất nhiều xe “độ” như thế này, nhà nào cũng có, thậm chí có nhà đến 2-3 chiếc”-anh Nay Búi nói.

 

Cảnh sát Giao thông kiểm tra các tiệm sửa chữa xe máy trên địa bàn thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Ảnh: N.S
Cảnh sát Giao thông kiểm tra các tiệm sửa chữa xe máy trên địa bàn thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Ảnh: N.S

Có mặt trên tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua địa bàn buôn Choanh (xã Uar), chúng tôi tận mắt chứng kiến lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Krông Pa xử lý xe độ chế. Đáng nói là, khi được hỏi thì hầu hết các chủ phương tiện đều biết là vi phạm khi sử dụng loại xe độ chế này. Anh Nguyễn Đức Thắng (thôn Điểm 10, xã Uar) lý giải: “Tôi biết sử dụng loại xe này là vi phạm pháp luật, nhưng vì nhà có rẫy ở trên núi nên tôi phải dùng để tiện cho việc vận chuyển nông sản về nhà hoặc chở phân bón lên rẫy. Do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên tôi mua xe cũ với giá rẻ về “độ” lại”.

Chính vì biết sử dụng loại phương tiện này là vi phạm nên khi phát hiện có lực lượng Cảnh sát Giao thông chốt chặn thì những người dân gần đó cũng như người tham gia giao thông trên tuyến đường này đều tìm cách thông báo cho nhau để né tránh hoặc quay đầu xe khi đến gần điểm chốt chặn. Theo Trung úy Trần Đức Anh (Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Krông Pa): “Trên địa bàn có rất nhiều xe máy độ chế để chở hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Những chiếc xe độ chế này thường gây mất an toàn giao thông, đã vậy khi gặp lực lượng chức năng chủ xe còn tìm cách luồn lách và chạy với tốc độ rất cao để trốn xử phạt”.

Tăng cường tuyên truyền

Theo ghi nhận của P.V, hầu hết các xe đã qua độ chế đều được thay mới một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng nên có thể chạy với vận tốc rất lớn. Ngoài ra, người điều khiển các loại phương tiện này thường xuyên chở hàng hóa quá khổ, phóng nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông. Thậm chí, nhiều xe không gắn biển số hoặc gắn biển số không đúng với biển số ghi trong giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Điều này gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát Giao thông trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cũng như khi có tai nạn giao thông xảy ra.

 

Ảnh: N.S
Ảnh: N.S

Trung tá Hoàng Duy Hiền-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Krông Pa-cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 8.000 xe máy độ chế. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện và lập biên bản 79 trường hợp, xử phạt hơn 60 triệu đồng với các lỗi: độ pô hoặc thay đổi một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng. Cơ quan chức năng cũng buộc người vi phạm phải tháo bỏ các bộ phận, thiết bị độ chế... “Thời gian qua, Đội cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý xe máy độ chế lưu hành trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường lực lượng phối hợp với Công an các xã, thị trấn xử lý xe không đảm bảo điều kiện lưu hành theo đúng quy định của pháp luật”-Trung tá Hoàng Duy Hiền khẳng định.

Để xử lý loại xe này, Công an huyện Krông Pa cũng đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về các mối nguy hiểm tiềm ẩn của xe máy độ chế, không bảo đảm điều kiện tham gia giao thông. Thượng tá Phùng Quang Tuấn-Trưởng Công an huyện Krông Pa-cho hay: “Lực lượng Công an cũng đã tiến hành phối hợp với UBND các xã, thị trấn lên danh sách các tiệm sửa xe để yêu cầu viết cam kết không tiếp tay hoặc “độ” xe. Tuy nhiên, việc ngăn chặn triệt để hoạt động của loại phương tiện này là không đơn giản, bởi nó liên quan đến sinh kế của người dân. Vì vậy, thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng xe máy độ chế”.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm