Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Krông Pa: Người dân tổ chức kỷ niệm 89 năm lập làng Phú Cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ đến 28-5 Âm lịch hàng năm, người dân sinh sống trên địa bàn xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa lại cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm Ngày thành lập làng Phú Cần và tưởng nhớ về người có công quy lập dân làng, khai khẩn vùng đất Krông Pa.
 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Cũng như thường lệ, sáng 25-6, nhiều người dân sinh sống trong vùng cùng đến quét dọn, bày biện hoa quả tại nhà thờ Tiền Hiền tại thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần để tổ chức lễ và cầu mong cho vùng đất nơi mình sinh sống mưa thuận gió hòa.

Theo lời nhiều lão niên sinh sống tại thị trấn Phú Túc, từ năm 1925, vùng đất Krông Pa hoang sơ nhưng lại có nhiều sản vật, đất đai rộng lớn, vì vậy, sau khi tìm hiểu về nơi này, ông Phan Hữu Phàn-người dân sống tại An Chấn, Tuy An, Phú Yên (lúc này ông 25 tuổi) đã trở về lại quê nhà rồi kêu gọi người dân cùng lên khai phá vùng đất mới và lấy tên làng là Phú Cần (Cần là tên của vị trưởng đạo quản lý vùng đất, Phú là vùng đất trù phú và cũng là quê hương Phú Yên của ông), ban đầu chỉ có 19 nóc nhà được lập nên, lâu dần người dân đến sinh sống mỗi đông và sự giao thương giữ miền ngược và miền xuôi tiếp nối cho đến ngày nay. Về vị tiền hiền Phan Hữu Phàn, sau khi đưa dân lên lập làng, định cư, đến năm 1941 ông lâm bệnh mất. Để tưởng nhớ bậc tiền hiền, người dân trong vùng tổ chức chôn cất, lập mộ và xây dựng nhà thờ cúng ông từ đó. Trong thời kỳ chiến tranh, người dân tản cư nhưng đến ngày giỗ vẫn có người tìm về để thắp hương.

 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Ông Phan Minh Trình-74 tuổi, Trưởng ban phụng tự nhà thờ Tiền Hiền nói: Người dân chúng tôi, bất kể ai đến sinh sống trên địa bàn xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc đều luôn nhớ và kể cho nhau về lịch sử lập làng Phú Cần khi xưa và cùng nhau đóng góp tổ chức lễ lập làng vào tháng 5 Âm lịch hàng năm.

Công việc trên của người dân thị trấn Phú Túc là việc làm ý nghĩa vừa tưởng nhớ người có công lại góp phần xây dựng phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông đồng thời giúp con cháu thêm hiểu biết về lịch sử phát triển của vùng đất Krông Pa khi xưa.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm