Phóng sự - Ký sự

Kỳ bí Lung Ngọc Hoàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lung Ngọc Hoàng - vùng đất lung trũng, hoang vu, huyền bí nằm trên địa bàn xã Phương Bình, H.Phụng Hiệp (Hậu Giang), sau gần 20 năm được bảo tồn đã trở thành “vựa” cá đồng, rùa rắn... độc đáo nhất miền Tây Nam bộ.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng rộng hơn 2.800 ha, nằm cách TP.Cần Thơ khoảng
40 km về phía nam, cách QL1 đoạn qua TP.Ngã Bảy (Hậu Giang) chỉ hơn 20 km. Điều lý thú là một thế giới hoang sơ với những câu chuyện kỳ bí như Lung Ngọc Hoàng lại từng bị cải tạo để… trồng lúa.
Sau nhiều vụ mùa trắng tay, cuối cùng con người cũng nhận ra giá trị sinh thái bền vững vốn có của vùng đất “trời sanh” này và quyết định “trả” nó về tự nhiên.
 
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng rộng hơn 2.800 ha
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng rộng hơn 2.800 ha
Lung rừng huyền ảo
Chiếc vỏ lãi từ sông Hậu Giang 3 rẽ sóng vào Lung Ngọc Hoàng, chẳng mấy chốc như lọt thỏm vào một miền cổ tích với những cánh rừng tràm bạt ngàn, chim muông rộn rã. Lung rừng ngập nước huyền ảo, mơ hồ trong màn sương la đà trên những đầm sen, tán dừa nước hoang dại.
Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác. Ông Bảy Mun (tên thật Trần Văn Bảy, 67 tuổi), người dân cố cựu ở xã Phương Bình, nhận giao khoán vớt bèo ở Lung Ngọc Hoàng, bảo: “Nhiều vị cao niên kể rằng hồi xưa người dân khẩn hoang chỉ dám vào lung bắt cá rồi về, vậy mà trong lung rừng hoang vu có ông Ba cất chòi ở lại, sống như thần tiên. Thế nên người ta gọi là ông Ba Thần Tiên ở lung của trời, sau này người ta gọi là Lung Ngọc Hoàng”.
Sinh ra ở vùng Lung Ngọc Hoàng rồi lên Sài Gòn, Cần Thơ lập nghiệp, soạn giả Nhâm Hùng (72 tuổi, nhà nghiên cứu lịch sử miền Tây Nam bộ) kể từ thời khẩn hoang ở triều Nguyễn đến trước khi người Pháp đào cụm kinh Ngã Bảy (TP.Ngã Bảy, Hậu Giang), kinh Lái Hiếu xuyên qua Lung Ngọc Hoàng tới Phương Bình rồi nối liền rạch Cái Nai, sông Cái Lớn đổ về Biển Tây. “Một vùng đất trũng giáp nước Biển Đông (theo sông Hậu) và Biển Tây (theo sông Cái Lớn) là những cánh đồng sậy hoang vu thuộc tổng Định Hòa (Cần Thơ) chạy dài đến phía tây, thuộc tổng Thanh Giang (Rạch Giá). Sau này, người Pháp gọi là đồng Phương Ninh. Trong đồng Phương Ninh có vùng ngập nước sâu hơn, dân gian gọi là Lung Ngọc Hoàng. Theo lý giải của những người khẩn hoang, chỉ có ông trời mới tạo ra được cái lung rộng lớn như vậy nên gọi là lung trời sanh, Lung Ngọc Hoàng”, ông Nhâm Hùng chia sẻ.
Còn theo thạc sĩ Trần Văn Kiệt (Hội Văn nghệ dân gian TP.Cần Thơ), hơn 120 năm về trước, đã có người đến khai khẩn Lung Ngọc Hoàng. Về sau, do chiến tranh, Lung Ngọc Hoàng hoang hóa, rồi trở thành căn cứ cách mạng và cũng chính là vùng đóng quân của Khu ủy Tây Nam bộ, rồi căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ năm xưa.
 
Bên trong Lung Ngọc Hoàng là vùng sinh thái nước ngập quanh năm
Bên trong Lung Ngọc Hoàng là vùng sinh thái nước ngập quanh năm
Thời xẻ rừng trồng lúa
Đưa mắt nhìn về chòi canh Lung Ngọc Hoàng, ông Lê Văn (61 tuổi), cựu công nhân Lâm trường Phương Ninh, vẫn nhớ như in những ngày đầu về lập nghiệp ở đây. Cũng như nhiều nơi khác, năm 1976, Nông trường Phương Ninh ra đời nhằm khai khẩn đất đai vùng Lung Ngọc Hoàng trồng lúa mùa, để giải quyết chuyện thiếu lương thực. “Hồi đó tôi và một số anh em mới 20 tuổi, chưa lập gia đình nên rủ nhau xin đi nông trường. Vào đây cảm thấy rất buồn và nhớ nhà, cái gì cũng thiếu, đường sá không có, phải đi xuồng từ Ngã Bảy vô hết gần nửa ngày”, ông Văn kể.
Nông trường Phương Ninh được cải tạo rộng tới 5.200 ha, được đào kênh dẫn ngọt, rửa phèn, được đầu tư máy cày, máy xới, nhưng hiệu quả sản xuất lại èo uột. “Cha chung không ai khóc nên năng suất chỉ bằng phân nửa so với người dân trồng lúa ngoài nông trường. Nông trường thì chỉ cần cuối vụ có lúa để cân cho tỉnh là được tiếng”, ông Văn nhớ lại.
Cũng chính vì làm lúa không hiệu quả nên đến cuối năm 1983, Nông trường Phương Ninh chuyển sang thành lâm trường. Không vốn lại không rành kỹ thuật nên ươm cây tràm con trồng xuống héo queo, những vụ tranh chấp đất đai với người dân lại xảy ra triền miên. Loay hoay phải đến năm 1988, rừng tràm Lung Ngọc Hoàng mới tương đối phủ xanh. Gần chục năm kể từ ngày chuyển sang lâm trường, lứa tràm trồng đời đầu cho thu hoạch. Những năm sau đó là giai đoạn hưng thịnh của Lâm trường Phương Ninh khi bán được cừ tràm, có vốn làm đường, kéo điện, mua xe, đời sống công nhân cải thiện trông thấy. “Phấn khởi nhất là dãy nhà lầu đầu tiên cho lâm trường. Hồi đó xứ này xây được nhà lầu là ghê gớm lắm”, ông Văn chia sẻ.
 
Vịt trời kiếm ăn ở lung sen. Ảnh: Đình Tuyển
Vịt trời kiếm ăn ở lung sen. Ảnh: Đình Tuyển
Nhưng rồi như một cơ duyên, vùng đất vốn “trời sanh” bước sang một ngã rẽ lịch sử. “Năm 1999, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đi thị sát bằng trực thăng bay ngang lâm trường đã rất bất ngờ trước khu rừng xanh tốt vốn là vùng căn cứ cách mạng xưa. Năm sau, ông về thăm lâm trường rồi căn dặn trên tỉnh cần làm khu bảo tồn, làm lá phổi xanh cho vùng tây sông Hậu. Không lâu sau, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, toàn bộ hoạt động khai thác của lâm trường buộc phải đóng cửa”, ông Văn kể và có chút luyến tiếc: “Lâm trường đang thu hoạch cừ tràm có tiền bỗng nhiên phải đóng cửa bảo tồn, thực sự khó khăn”.
Di sản sinh thái
Ngày nay, cùng những vùng ngập nước đặc trưng đầu nguồn sông Cửu Long như Tràm Chim (Đồng Tháp), Trà Sư (An Giang), Láng Sen (Long An), Lung Ngọc Hoàng cũng là nơi có hệ động thực vật hết sức phong phú.
Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết đặc trưng nhất của Lung Ngọc Hoàng là vùng giáp nước hạ nguồn nên các loài như cá đồng, rùa rắn nhiều không nơi nào sánh bằng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. “Ban quản lý chỉ có 41 người nhưng có tới 947 hộ dân sinh sống ngoài vùng đệm. Thế nên việc quan trọng là phải tìm cách giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, để người dân cùng mình bảo vệ rừng”, ông Hội nói và kể trước đây, năm nào tới mùa khô cũng phải đi rình bắt người dân gác kèo ong, vất vả vô cùng. “Rình mà sợ, lỡ người dân đang đốt ong bị phát hiện bỏ lửa chạy lấy người thì mệt mình”. Thế nên 4 năm trước, khu bảo tồn cho người dân vào khai thác mật ong có điều kiện. Vào mùa mật, có
50 người dân được phép vào rừng khai thác mật ong nhưng phải cam kết giữ rừng, không cho người lạ bén mảng. “Người dân phấn khởi vô cùng, họ không cần phải trả phí, ai có lòng thì tặng nhau lít mật ong lấy thảo. Nhờ cách làm đó mà việc bảo vệ rừng nhẹ nhàng hơn”.
Tiễn chúng tôi rời Lung Ngọc Hoàng, giữa thoang thoảng hương rừng, chim muông ríu rít về tổ, ông Hội cho biết tỉnh Hậu Giang đã có hướng phát triển
du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn Lung Ngọc Hoàng. Chắc rằng với giá trị đặc trưng của lung rừng, cùng nhiều dấu ấn lịch sử của con người, Lung Ngọc Hoàng sẽ là một di sản độc đáo bậc nhất của miền Tây để lại cho mai sau.
Theo Đình Tuyển (TNO)

Có thể bạn quan tâm