Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kỳ cuối: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng nhằm nâng cao độ che phủ rừng, góp phần khôi phục rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, với những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, để thực hiện tốt công tác này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Điểm sáng của khu vực Tây Nguyên
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tổ chức tại tỉnh Đak Lak vào tháng 6-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 về tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Theo đó, trong 3 năm (2017-2019), tỉnh dự kiến sẽ thu hồi tối thiểu 30.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để đưa vào trồng rừng.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng cấp tỉnh đã được thành lập do Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực. 17/17 UBND huyện, thị xã, thành phố và 138 xã có diện tích rừng phải thu hồi cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo. Qua 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tổ chức được 950 đợt tuyên truyền với hơn 72.500 lượt người tham gia. Từ đó, nhiều hộ dân đã đồng tình với chủ trương này, tự nguyện kê khai vị trí, diện tích rẫy sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp và đăng ký tham gia trồng rừng. Đến nay, người dân đã tự nguyện kê khai gần 27 ngàn ha đất rừng lấn chiếm. Các địa phương đang tiếp tục phân loại đối tượng sử dụng để tiến hành giao hoặc thu hồi nhằm chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng năm 2019; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân kê khai toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp.
 Tỉnh cần tính toán, quy định loại cây trồng phù hợp với từng vùng để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao. Ảnh: Q.T
Tỉnh cần tính toán, quy định loại cây trồng phù hợp với từng vùng để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao. Ảnh: Q.T
Ông Lương Năm-Phó Trưởng phòng Nông Lâm (Văn phòng UBND tỉnh) cho biết: Tại hội thảo về trồng và phát triển rừng trong tình hình mới được tổ chức ở tỉnh Đak Lak gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai là địa phương duy nhất triển khai kế hoạch trồng rừng trên địa bàn cả tỉnh. Kết quả trồng rừng năm 2018 của tỉnh Gia Lai cũng thuộc diện cao nhất trong khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang tổ chức trồng rừng theo chính sách hỗ trợ của Trung ương nhưng chỉ thí điểm tại 3 huyện chứ chưa thể triển khai đại trà như Gia Lai. Điều đó thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh ta trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng.
Chú trọng đến lợi ích kinh tế của người dân
Trong buổi làm việc mới đây của đoàn giám sát HĐND tỉnh tại UBND tỉnh, ông Thái Thanh Bình-Bí thư Thị ủy Ayun Pa, thành viên đoàn giám sát-cho rằng, việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng phải tính toán đến lợi ích kinh tế của người dân. Ngoài ra, chu kỳ trồng rừng kéo dài từ 5 đến 7 năm nên tỉnh cần làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến để giải quyết đầu ra của sản phẩm ngay từ khi triển khai, tránh tình trạng sau này lại không bán được hoặc bán với giá thấp nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân của các cấp, các ngành là hết sức quan trọng nhưng cần đi kèm với các chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện trồng rừng. “Chúng ta không thể cứ mãi tuyên truyền, vận động nhưng lại không đi đôi với hành động, không có các chính sách hỗ trợ để người dân thực hiện thì chất lượng tuyên truyền sẽ không cao. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phong tục, tập quán, thay vì mở rộng diện tích sản xuất thì hãy đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích”-ông Bình nói.
Còn theo ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh: Tỉnh cần tính toán, có hướng dẫn cụ thể hoặc có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những hộ dân đã tham gia trồng rừng trích từ nguồn ngân sách địa phương đối với diện tích trồng rừng vượt quy hoạch hoặc trồng rừng ngoài diện tích đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 1123 của UBND tỉnh. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau nên việc quy định chung trồng rừng bằng cây keo lai là chưa phù hợp. Cây keo lai phù hợp với các huyện phía Đông như Đak Pơ, Kông Chro… nhưng các huyện như Chư Prông, Ia Grai chỉ phù hợp với các loại cây như điều, thông… Đề nghị UBND tỉnh có điều chỉnh hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cũng như người dân thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cần có hướng dẫn trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp; đồng thời kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở các địa phương trong quá trình thực hiện việc giao đất, giao rừng.
Trao đổi với P.V, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh-cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, điều chỉnh kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm được người dân tự nguyện kê khai thì tiếp tục phân loại đối tượng sử dụng để tiến hành giao hoặc thu hồi để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, cũng như xây dựng phương án bảo vệ diện tích đất rừng bị lấn chiếm sau thu hồi, tránh tình trạng tái lấn chiếm.
Ngoài ra, tỉnh đã tạm ứng ngân sách cho Sở Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ cho các hộ gia đình chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng năm 2019. Đối với các đơn vị chủ rừng có diện tích thu hồi lớn thì ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã trồng các loại cây nông nghiệp đang cho thu hoạch thì hướng dẫn các hộ dân trồng xen canh cây lâm nghiệp xung quanh bờ bao hoặc trồng xen theo băng rạch để từng bước chuyển dần sang cây lâm nghiệp nhưng không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Cùng với đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trồng dặm, chăm sóc và quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã trồng để đảm bảo rừng trồng sinh trưởng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng.
QUANG TẤN-CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm