Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV: Tiếp tục thảo luận về 2 nội dung quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ngày 10-1, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự và chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, đa số đại biểu tán thành với các nội dung Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Quang cảnh kỳ họp tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh kỳ họp tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, bảo đảm xử lý những vấn đề thực sự cấp thiết, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Trong đó, cần rà soát kỹ để bảo đảm việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, tránh cơ chế xin-cho, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ cơ sở chính trị pháp lý của việc ban hành luật, cân nhắc cơ sở thực tiễn cũng như đánh giá tác động của các nội dung.
Đa số đại biểu cũng tán thành cao với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án sẽ là cú hích thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, giảm thiểu tai nạn giao thông…
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc và thuyết minh rõ hơn phương án đầu tư quy mô 4 làn xe có mặt đường cắt ngang là 24,75 m so với quy mô 4 làn xe có mặt đường cắt ngang là 17 m để đảm bảo tiêu chuẩn của đường cao tốc, an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác, đáp ứng tầm nhìn dài hạn, tránh việc phải mở rộng về sau gây lãng phí trong việc giải phóng mặt bằng và các hệ lụy khác. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; nguồn nguyên, vật liệu phục vụ cho thi công…
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm