Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Gia Lai: Dân chủ và trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào ngày 11-12.
Trong ngày làm việc cuối cùng, kỳ họp tiến hành các nội dung: chất vấn và trả lời chất vấn; UBND tỉnh giải trình làm rõ một số vấn đề; đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đ.T
Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đ.T
Sôi nổi phần chất vấn và thảo luận tại hội trường
Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) hơn 10 năm nay vẫn chưa được triển khai đã ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án, gây bức xúc trong dư luận. Đây là vấn đề được đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đưa ra chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành. Đại biểu Dương Văn Tuấn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giải thích vì sao dự án vẫn chưa được triển khai; trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh về sự chậm trễ này như thế nào và dự án có tiếp tục được triển khai nữa hay không? Nếu có thì khi nào triển khai? Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho cử tri biết các giải pháp để thực hiện dự án.
Đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T
Đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T
Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Cuối năm 2009, HĐND tỉnh đã thông qua quy hoạch chi tiết và cho phép giao dự án cho doanh nghiệp thực hiện với quy hoạch gần 95 ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn về tài chính dẫn đến dự án bị trì trệ, chậm triển khai. Qua nhiều lần gia hạn nhưng đơn vị này vẫn không triển khai dự án. Đến năm 2014, UBND tỉnh đã ra quyết định chấm dứt dự án. Sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Pleiku tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư mới. Đến cuối năm 2016, trong đợt xúc tiến đầu tư của tỉnh, doanh nghiệp từ Đà Nẵng đăng ký đầu tư dự án này. Tuy nhiên sau hơn 2 năm khảo sát, đánh giá thì nhà đầu tư xin rút vì họ thấy dự án không đảm bảo hiệu quả.
Trước tình hình đó, với trách nhiệm của mình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã làm việc rất nhiều lần với UBND TP. Pleiku và thống nhất không giao dự án này cho nhà đầu tư nữa. Theo đó, UBND tỉnh đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giao dự án cho UBND TP. Pleiku tổ chức triển khai nhằm phát triển kinh tế-xã hội và chỉnh trang đô thị. Đồng thời, tỉnh sẽ ứng tiền từ nguồn phát triển quỹ đất của tỉnh cho UBND thành phố thực hiện giải tỏa đền bù trong phạm vi 37 ha và triển khai thi công. Nếu nguồn vốn còn thiếu thì tỉnh sẽ sử dụng một phần nguồn vốn vay của Trung ương cho TP. Pleiku (hiện tỉnh đang trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho TP. Pleiku vay vốn từ Ngân hàng Thế giới 50 triệu USD) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội. Như vậy, nếu nhanh thì thành phố sẽ bắt đầu hoàn thành các thủ tục đầu tư và đến đầu năm 2020 sẽ tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các công đoạn tiếp theo.
Sau phần chất vấn, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp. Bàn về dự thảo Nghị quyết “Quy định hỗ trợ, đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện và mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức và người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai”, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với mức đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai. Theo dự thảo nghị quyết này, người cai nghiện ma túy tự nguyện không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai phải đóng góp các khoản sau: tiền ăn hàng tháng, tiền quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; đóng góp 100% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế; chi phí phục vụ, quản lý… Đại biểu Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp-cho biết: “Căn cứ Nghị định số 80/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện và Thông tư số 124/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện thì không có điều khoản nào nói về sự phân biệt giữa người cai nghiện ma túy tự nguyện có hộ khẩu hay không có hộ khẩu tại địa phương”. Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Phan Chung-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh-cũng cho rằng: “Chúng ta nên thống nhất hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh mà không cần phân biệt có hộ khẩu tại Gia Lai hay không. Dự thảo nghị quyết nên sửa đổi những đoạn này”.
Quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ 2020
Trước khi bế mạc kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã thông báo với các đại biểu về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2019. Đồng thời, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế để các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung rà soát, khắc phục.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020. Theo đó, năm 2020, tỉnh phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 8,2%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 30.000 tỷ đồng trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 5.200 tỷ đồng trở lên; thêm 9 xã đạt chuẩn NTM; kim ngạch xuất khẩu đạt 630 triệu USD; lao động qua đào tạo, được tạo việc làm mới đạt theo kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều…

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành vui mừng thông báo, vừa qua, TP. Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); thị xã An Khê đang hoàn tất các thủ tục để hoàn thành xây dựng NTM và thị xã Ayun Pa nhiều khả năng cũng hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM vào cuối năm 2019. “Đây là tiền đề để chúng ta tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tới. Tỉnh xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể; trong đó, người dân là chủ thể. Ngoài ra, tỉnh đang có rất nhiều dự án được đăng ký để khảo sát đầu tư, một số dự án đã được cấp phép đầu tư. Nếu các dự án này được đầu tư vào địa bàn trong 5 năm tới sẽ tạo ra một diện mạo rất mới cho Gia Lai”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang khẳng định: Năm 2020 là năm quyết định trong việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Do đó, các cấp chính quyền cần nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, khuyết điểm của năm 2019; triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong nghị quyết kỳ họp thứ 11 để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Việc xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 đã được đại biểu HĐND tỉnh cân nhắc, tính toán, thảo luận và quyết định. Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đề nghị: Trong năm 2020, các cấp, các ngành cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; triển khai các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông sản; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số; quyết tâm phấn đấu đưa huyện Kbang đạt chuẩn NTM trong năm 2020; tập trung thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
“Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần nỗ lực phấn đấu, bằng mọi biện pháp tích cực huy động tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng có được, thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp, duy trì tăng trưởng kinh tế phù hợp và bền vững. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nghị quyết của HĐND tỉnh để xây dựng nghị quyết, kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Lưu ý tập trung xây dựng biện pháp, giải pháp khả thi để chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu mà nghị quyết kỳ họp lần thứ 11 đề ra”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
DUNG TẤN

Có thể bạn quan tâm