Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI: Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đề ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ngày làm việc cuối cùng (10-12) của kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021), các đại biểu tiến hành thảo luận chung tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm. Kỳ họp cũng nghe lãnh đạo UBND tỉnh trả lời về một số vấn đề mà các đại biểu nêu ý kiến và biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp.

Giải quyết các vấn đề còn vướng mắc

Kỳ họp đã ghi nhận trên 126 lượt ý kiến tham gia thảo luận với nhiều vấn đề được cử tri quan tâm. Trong đó có nhiều ý kiến đề cập những vướng mắc, tồn tại trong năm qua như: việc thu hút doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho người dân sản xuất rau, củ, quả còn hạn chế; việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP chỉ mới thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng; tình hình tội phạm ma túy đang có dấu hiệu xâm nhập vào trường học, các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Đức Thụy


Nhiều nội dung quan trọng cũng được các đại biểu làm rõ và quan tâm nêu ý kiến, kiến nghị trong phiên thảo luận chung tại hội trường. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn đọng, chưa giao cho chủ sử dụng đất, tập trung chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du thông tin: Tính đến ngày 31-12-2019, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 96% và tăng lên 96,5% trong năm nay. Nguyên nhân tồn đọng, khách quan có, chủ quan có, trong đó việc tuyên truyền của các địa phương còn hạn chế. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát phân loại hồ sơ, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng này.

Vấn đề xin chủ trương chuyển đổi hơn 4,7 ngàn ha rừng nghèo trên địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) để đảm bảo tiến hành giai đoạn 3 của Dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr là sắp xếp, ổn định dân cư vùng biên giới và hệ thống kênh, vùng tưới cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, Hội đồng thẩm định đã báo cáo kết quả lên UBND tỉnh để trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đối với việc thiếu biên chế của ngành Giáo dục, ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)-cho biết: Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu tỉnh báo cáo chi tiết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên để tiếp tục trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, Sở GD-ĐT đang tổng hợp để báo cáo và đề xuất Bộ GD-ĐT nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên, nhân viên phục vụ cho chương trình thay sách giáo khoa. Toàn tỉnh hiện còn thiếu 2.806 giáo viên và 2.321 nhân viên.

Sôi nổi phiên chất vấn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Giang H'Đan-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính làm rõ trách nhiệm theo dõi hạch toán với số thu của huyện và đề xuất giải pháp trong thời gian tới. Theo đại biểu Giang H'Đan, Báo cáo số 169/BC-UBND ngày 20-11-2020 của UBND tỉnh đánh giá huyện Đak Đoa thu ngân sách chỉ đạt 30,1% kế hoạch là không đúng thực tế. Hiện nay, huyện dự ước thu ngân sách đạt 131,3% kế hoạch.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Đức Thụy


Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho biết: Năm 2020, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện được HĐND tỉnh giao 167,4 tỷ đồng, trong đó 128 tỷ đồng tiền sử dụng đất, ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp. Tuy nhiên, phần ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp khi thể hiện số liệu trên các biểu tổng hợp chưa phản ánh kết quả việc triển khai thu ngân sách của địa phương. Do đó, khi loại trừ phần thu tiền sử dụng đất do tỉnh quản lý thu (128 tỷ đồng) thì kết quả thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 128% (50,443/39,4 tỷ đồng). Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh ghi chú phía dưới biểu để so sánh kết quả sát với việc thực hiện của đơn vị, để không ảnh hưởng đến kết quả triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn huyện.

Thực hiện thông báo của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII về kết quả kiểm toán của huyện Đak Đoa, yêu cầu Kho bạc nhà nước huyện rà soát, điều chỉnh các khoản thu tiền sử dụng đất đã thu năm 2019 để cấp cho ngân sách địa phương theo đúng quy định, UBND huyện đề nghị Sở Tài chính trả kinh phí này (thu tiền cho thuê đất năm 2019 là 5,3 tỷ đồng) về địa phương nhưng đến nay chưa được quan tâm giải quyết. Đại biểu Giang H'Đan đề nghị Giám đốc Sở Tài chính làm rõ kiến nghị này.

Ở nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Căn cứ theo các quy định, tiền thuê đất của các doanh nghiệp đã nộp tại Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa-Mang Yang là do Cục Thuế tỉnh quản lý thu. Do đó, Kho bạc Nhà nước huyện Đak Đoa hạch toán ngân sách cấp tỉnh hưởng 100% là đúng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh. Vấn đề này, Sở sẽ báo cáo Kiểm toán Nhà nước khu vực XII khi báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của kiểm toán để thống nhất thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Văn Đạt nhấn mạnh: Sau phiên họp này, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa đối với những vấn đề vừa được chất vấn. Đồng thời, giao Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh giám sát thực hiện các nội dung được đem ra chất vấn.

24 nghị quyết được thông qua

Trong phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã làm rõ một số nội dung quan trọng được các đại biểu và cử tri quan tâm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Năm 2020, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt “nhiệm vụ kép” vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

 Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy


“Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Chúng ta cần nỗ lực thực hiện với tinh thần cao nhất”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông nêu rõ. Theo đó, năm 2021, Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; tạo mọi điều kiện sớm hoàn thành và đưa vào vận hành các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch; triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn xây dựng cơ bản...

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua 24 nghị quyết quan trọng, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu kết luận kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới. Tuy nhiên, dự báo nước ta nói chung và Gia Lai nói riêng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta phải đoàn kết nỗ lực phấn đấu, bằng mọi biện pháp tích cực huy động tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng có được, thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội”.
 

Một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8%; thu ngân sách đạt 5.047 tỷ đồng; có thêm ít nhất 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,99 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3% (theo chuẩn nghèo đa chiều); tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục các chỉ số thành phần đang thấp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính…

Sau kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể cần triển khai ngay một số nội dung như: tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa thông qua; tiếp tục chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; huy động các nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng đời sống của người dân; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông-lâm sản xuất khẩu; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, HĐND tỉnh, các cơ quan và tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau 3 ngày làm việc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XI đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

DUNG TẤN

Có thể bạn quan tâm