Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong phiên làm việc sáng 7-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã tập trung nhìn nhận, đánh giá tình hình hoạt động năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng nhiều nội dung quan trọng khác. 
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
Năm 2022, bên cạnh những thuận lợi trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Gia Lai phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, song dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động tiếp tục thực hiện tốt chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Trong năm 2022, với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kế hoạch đề ra.
Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức thành công 5 kỳ họp HĐND tỉnh để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền. Sau các kỳ họp, đã ban hành kịp thời thông báo kết quả kỳ họp và hoàn chỉnh, phát hành 84 nghị quyết đúng quy định. Trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã tổ chức 25 phiên họp thường kỳ hàng tháng và giao ban hàng tuần giữa Thường trực HĐND tỉnh với lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; đã thống nhất, quyết định ban hành 52 nghị quyết chấp thuận chủ trương xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định các nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
“Trong năm 2022, HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề; tổ chức 53 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh với 4.250 lượt cử tri tham dự. Ngoài ra, việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm giải quyết, trả lời cho công dân theo quy định, đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, được công dân đồng tình, ủng hộ”-bà Ayun H’Bút thông tin.
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nêu rõ: Trong năm 2022, Gia Lai có 19/21 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt so với năm 2021. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,27% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; trong đó, nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,39%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28,43%, dịch vụ chiếm 39,15%, thuế sản phẩm 4,02%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,45 triệu đồng. 
 
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút thay mặt Thường trực HĐND báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút thay mặt Thường trực HĐND báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Ảnh: Đức Thụy
Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới... tăng so với năm 2021. Hoạt động du lịch năm 2022 có nhiều khởi sắc. Trong năm, tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao đã góp phần thu hút đông đảo lượt khách tham quan, du lịch như: Sự kiện Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày Thành lập tỉnh Gia Lai, các hoạt động dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, dịp lễ 30-4 và 1-5, Quốc khánh 2-9; các giải thể thao khu vực và toàn quốc… Nhờ đó, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai trong năm 2022 ước đạt 950.000 lượt, tăng 2,9 lần so với năm 2021. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm trước. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thực hiện tốt công tác đối ngoại, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tập trung xử lý các vấn đề tồn động kéo dài và ứng phó kịp thời với các vấn đề mới phát sinh.
Chỉ rõ các tồn tại, hạn chế
Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2022, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Trong từng lĩnh vực, chúng ta vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: có 2 chỉ tiêu chính không đạt so với nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực chưa kịp thời; lập quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất toàn tỉnh và một số địa phương chậm ban hành; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; sự vào cuộc trong chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện chưa thường xuyên, liên tục, chưa sát với tình hình thực tế; tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số…
Từ những tồn tại, hạn chế đó, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Trên cơ sở tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương, chúng ta nêu cao trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận nhằm đánh giá sát, đúng những kết quả đã đạt được, những bất cập, hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2020-2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác 2023. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng triển khai nhiệm vụ công tác 2023. Ảnh: Đức Thụy
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành chỉ rõ: Chúng ta có 2 chỉ tiêu chính không đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra đó là thu ngân sách và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, có 2 chỉ tiêu phụ không đạt là số huyện đạt chuẩn nông thôn mới và số giường bệnh/vạn dân. Đối với chỉ tiêu thu ngân sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lý giải: Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.474 tỷ đồng, đạt 101,1% so với dự toán Trung ương giao, đạt 93,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 30,5% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 5.430 tỷ đồng đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 100,1% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 5,8% so với năm trước. Đặc biệt, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ được 44 tỷ đồng, đạt 11% so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, giảm 97,9% so với năm 2021. Nguyên nhân thu từ hoạt động này giảm mạnh so với năm trước là do năm 2021, tỉnh triển khai nhiều dự án điện gió trên địa bàn và nhập một lượng lớn các thiết bị điện gió nên nguồn thu từ hoạt động này tăng đột biến.
Trước tình trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Trên địa bàn tỉnh xảy đã ra 310 vụ tai nạn giao thông, làm chết 220 người, bị thương 241 người. So với năm 2021, tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số. Cụ thể, tăng 16,1% số vụ (310/267 vụ), tăng 17,02% số người chết (220/188 người) và tăng 12,62% số người bị thương (241/214 người). Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân tai nạn giao thông tăng cao là do năm 2021, chúng ta liên tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng-chống dịch Covid-19 nên hạn chế lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông dẫn đến tai nạn giao thông giảm sâu.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình an ninh chính trị thế giới, giá vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tiếp tục duy trì ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics...; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao…
Dự báo tình hình trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, cùng tháo gỡ khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2023. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận như: VietGAP, 4C, GlobalGAP, UTZ, Organic, Rainforest Alliance... Đồng thời, tập trung phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.
​Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
​Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và gắn với nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp. Tăng cường kết nối, quảng bá các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác.
“Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách Nhà nước. Rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất trên địa bàn tỉnh. Hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính năm 2023…”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành thông tin.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã nghe Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2022; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; các Ban HĐND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện công tác năm 2022 và chương trình công tác năm 2023…
Chiều nay, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh sẽ trình bày các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; các Ban HĐND tỉnh sẽ tiến hành báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Đồng thời, các đại biểu sẽ nghe UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII.
Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
QUANG TẤN-TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm