(GLO)- Tết Mậu Thân 1968, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tiến hành cuộc tổng tấn công và nổi dậy, làm nên những chiến công vang dội. 50 năm đã qua đi, những kỷ vật, dấu tích về cuộc tổng tấn công và nổi dậy trên địa bàn Gia Lai vẫn còn đó để nhắc nhở các thế hệ hôm nay nhớ về quá khứ hào hùng của thế hệ cha anh.
Quyết tâm thư bằng máu
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: V.H |
Một chiều cuối năm, có dịp ghé thăm Bảo tàng Quân đoàn 3, tôi may mắn được Thiếu tướng Lê Quang Xuân-Chính ủy Quân đoàn dẫn đến nơi treo bức Quyết tâm thư bằng máu của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 65, Mặt trận Tây Nguyên viết trước giờ bước vào chiến dịch Mậu Thân 1968. Nhìn những dòng chữ, những giọt máu hồng ghi lại quyết tâm của đơn vị, Thiếu tướng bùi ngùi: “Tiểu đoàn 65 là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1966. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ nằm lại mảnh đất Tây Nguyên. Điều đặc biệt là họ đã để lại Quyết tâm thư bằng máu trước giờ ra trận. Đó là kỷ vật thiêng liêng mà chúng tôi đang giữ”.
Quyết tâm thư của Tiểu đoàn 65 gửi lên Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên trước giờ bước vào tổng tấn công và nổi dậy được viết trên tấm vải lụa màu vàng, rộng 70 cm, dài 2,2 m, nội dung tràn đầy khí thế hào hùng của tuổi trẻ: “Quán triệt Nghị quyết số 1 và mệnh lệnh khẩn cấp của Đảng thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, làm theo lời huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ lịch sử trọng đại đã đến, Tổ quốc đã kêu gọi. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 65 xin sẵn sàng!... Chúng tôi xin đăng ký xung phong vào những đội quân quyết tử sẵn sàng đón nhận và hoàn thành vượt mức cao nhất bất cứ nhiệm vụ gì trên giao, dù hy sinh bản thân, hy sinh một bộ phận cũng quyết tâm thực hiện”. Để chứng thực cho quyết tâm đó là những giọt máu đào điểm chỉ và ký tên của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Có đồng chí sử dụng máu từ ngón tay viết thành tên thay cho chữ ký.
Cũng vào Xuân Mậu Thân 1968, tại Mặt trận Tây Nguyên có một bức thư chứa đựng nỗi đau mất mát và sự căm hờn với quân thù: “Chị ạ, chị khỏe không, em báo tin buồn cho chị, anh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đêm Giao thừa Mậu Thân 1968 giữa lòng nội thị Pleiku. Chúng em và đồng đội của anh sẽ tiếp tục chiến đấu để đánh đuổi quân thù…”. Bức thư được y tá Ngô Thị Kim Yến ở Bệnh xá khu 3 gửi cho bà Lê Thị Xuân Hồng ở đội 13, Nông trường chè 1-5 (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Bà Hồng là vợ của đồng chí Lê Xuân Hân-Trưởng Tiểu ban Chính trị Tỉnh đội Gia Lai, người đã anh dũng hy sinh trong nội thị Pleiku Giao thừa năm ấy.
Do bom đạn chiến tranh, Nam-Bắc cách chia nên nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Hồng vẫn không thể vào Gia Lai tìm thông tin của chồng. Mãi đến năm 2012, bà mới liên lạc được với người viết bức thư. Cuộc hội ngộ sau hơn 45 năm ở TP. Pleiku giữa bà Hồng và bà Yến diễn ra vô cùng xúc động. Tận mắt thấy nơi chồng mình ngã xuống và yên nghỉ cùng đồng đội trong một bia mộ chung ở Đền tưởng niệm các liệt sĩ Hội Phú (phường Hội Phú, TP. Pleiku), bà Hồng đã không thể cầm được những giọt nước mắt.
Những ký ức không thể nào quên
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xuân và đồng đội ôn lại những ký ức về chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: V.H |
50 năm đã qua, thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng ký ức về cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn in đậm trong tâm trí những người trong cuộc. Trên địa bàn TP. Pleiku, những dấu tích của chiến dịch vẫn còn lưu giữ tại khuôn viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Nhà lao Pleiku, Biển Hồ, Đền tưởng niệm các liệt sĩ Hội Phú… Đây là những nơi mà thế hệ hôm nay thường tìm đến để hiểu và tri ân chiến công của những người đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong đêm Giao thừa năm ấy.
Chúng tôi may mắn được gặp các cựu chiến binh trực tiếp tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Pleiku khi họ trở lại thăm chiến trường xưa. Đưa bàn tay run run vì tuổi cao và xúc động chỉ về trụ sở UBND TP. Pleiku và Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Xuân (xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam)-nguyên Đại đội phó Đại đội 90, Tiểu đoàn Đặc công 408, cho biết: “Đây là nơi Đại đội 90 của chúng tôi chiến đấu đêm Giao thừa năm ấy. Sau hiệu lệnh nổ súng, chúng tôi nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn Bảo an Tiểu khu Pleiku, Đại đội Thám báo Biệt kích và phá Nhà lao Pleiku đưa 200 chiến sĩ bị địch bắt thoát ra ngoài an toàn. Xác định địch sẽ tập trung lực lượng phản kích nên chúng tôi di chuyển đội hình sang vị trí mới (Trường THPT Chuyên Hùng Vương bây giờ-N.V) vì nơi đó có công sự của địch, nhiều cây cối giúp đơn vị có thể chiến đấu lâu dài… Đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết, đơn vị đã bắn cháy nhiều xe, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch, nhưng cũng tổn thất rất nặng nề. Toàn đại đội chỉ còn 7 người sống, trong đó có 4 đồng chí bị thương. 7 ngày sau, chúng tôi mới về đến vị trí xuất phát là làng O Sơ, xã Gào”.
Cũng tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nay mới có dịp trở lại Pleiku, đứng trước cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, nhìn ngôi trường khang trang và những tà áo dài bay trong gió, nghe tiếng nói cười của các em học sinh, cựu chiến binh Phan Văn Tín (phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nở nụ cười mãn nguyện. “Đồng đội chúng tôi nằm xuống nơi này sẽ rất vui khi ngày ngày nghe tiếng các em học bài. Trước khi bước vào trận đánh, ai cũng mong sẽ sớm đến ngày độc lập, tự do và đây là thành quả của sự hy sinh ấy”. Còn cựu chiến binh Trần Văn Đức (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)-nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 408 tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 thì 50 năm rồi mới có dịp trở lại Gia Lai. Thấy tên các đồng đội nằm ngay ngắn trên bia Đền tưởng niệm các liệt sĩ Hội Phú như đội hình tập kết trước giờ xung trận, ông Đức bùi ngùi: “Hãy yên nghỉ đồng đội ơi, Giao thừa đã im tiếng súng lâu rồi. Pleiku đẹp, các đồng chí ở lại với bạt ngàn hương cà phê, với sự che chở của lòng đất Tây Nguyên như những ngày nhân dân bao bọc che chở chúng ta trước khi bước vào chiến đấu”.
Vĩnh Hoàng