Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Ký ức rạ rơm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đã sống trọn một ngày ở ngôi làng xa lạ ấy. Đó là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng hết sức vui vẻ với một người đã mệt nhoài, rã rượi với công việc, đã ho khan với khói bụi thành phố.

Một ngày, tôi dạo trên từng con hẻm vắng lặng, hanh hao, níu chân khách bằng những hàng rào tre mọc đầy dây leo, bầy chim sẻ ríu ran trên tán lá.

Một ngày, tôi đạp xe qua những con dốc ngắn dưới bóng tre rợp mát từ bến sông lên làng; hay trải chiếu nằm dưới gốc mít để mặc cho những đốm nắng rớt xuống nhảy nhót trên mặt.

Tôi lang thang trong khu vườn không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, pha tạp, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.

Nhưng thích nhất là để chân trần đi trên các nhánh đường làng trải đầy rơm, vàng óng lên dưới nắng, thoang thoảng mùi thơm nồng nàn, đánh thức ký ức thời ấu thơ tưởng đã ngủ quên đâu đó.

Chẳng lớp lang, thứ tự nào cả, chỉ biết đó là cả một khoảng trời xốn xang, với những ngày mùa tất bật và thoang thoảng hương lúa, mùi rơm rạ.

Nơi này chẳng khác mấy với nơi tôi được sinh ra. Một xóm nhỏ ngó ra cánh đồng bát ngát, thênh thanh nắng gió, chiêm mùa nối nhau.

Cây rơm quê nhà. Ảnh: T.H

Những ngày này, dân đang vào mùa gặt. Máy gặt đập liên hoàn được kéo ra tận ruộng nổ xình xịch, khạc tung lên từng mớ rơm tươi.

Tôi thấy bóng dáng cha mẹ mình từ những người nông dân ở đây. Họ yêu quý rơm rạ không kém gì hạt gạo, bởi cũng phải một nắng hai sương, vất vả cực nhọc mới có.

Bởi vậy, vào mùa gặt, khi lúa được đóng bao đưa về nhà thì họ lại tất bật tranh thủ ngày nắng đẹp để phơi rơm. Từ bờ ruộng, đường làng đến ngõ nhà, sân vườn đều trải đầy rơm rạ.

Mấy cậu bé theo cha mẹ ra đồng, chạy nhảy trong những cơn gió, những đám rơm bị thổi tung lên trời, rơi lả tả. Rồi tinh nghịch nhào lộn, ôm rơm ném tung tóe ra đường đi, phủ rơm lên người nhau, cười như nắc nẻ.

Nhìn những cô bé, cậu bé nô đùa trên những con đường, mé mương, bờ ruộng, tôi như thấy lại mình, chị em mình và những người bạn thuở thiếu thời mải mê với rơm rạ.

Vào vụ gặt, chị em tôi được giao nhiệm vụ phơi rơm. Nói nhẹ nhàng không sai, nói vất vả cũng đúng. Quan trọng là không được ngủ trưa, phải thức canh thời gian để trở rơm. Bố chặt cây tre già, làm cho một cây đòn xóc, mấy chị em phân công nhau gẩy tung rơm lên cho nhanh khô.

Chỗ nào bị bóng cây che thì đẩy rơm ra chỗ nắng nhiều, tung ra từng mảng, lật lên trở xuống. Từng cọng rơm được nắng sẽ cong lên, thơm lựng mà vẫn đượm màu tươi nguyên.

Qua một ngày nắng gió, những sợi rơm se khô một chút, vàng sẫm hơn một chút, lại giòn hơn một chút. Còn người phơi rơm thì nhễ nhại mồ hôi, làn da bắt nắng đen thêm một chút.

Khi rơm đã khô, cả nhà sẽ tập trung dựng cây rơm. Đây là cách dự trữ rơm quen thuộc ở nhiều miền quê, vừa là để dành thức ăn cho gia súc trong ngày đông tháng giá, vừa là để có chất đốt trong mùa mưa bão.

Lúc đánh cây rơm, bố tôi dựng một thân tre già ở giữa, đi vòng quanh chờ chị em tôi ôm từng đám rơm quăng lên để bố dàn đều từng lượt. Khi cây rơm vươn cao quá tầm ném, đến lượt bố ở dưới chuyển rơm lên, tôi đảm nhiệm việc rải rơm quanh cây trụ và giẫm cho chặt.

Ở xung quanh cây cột tôi dành sức nhồi kỹ, vì có kỹ, có chặt thì cây rơm mới không bị tụt, bị đổ, cũng không bị nước mưa chảy theo cây cột vào, làm ướt từ trong ướt ra, hỏng hết cả cây rơm.

Làm xong cây rơm, tôi còn cẩn thận lấy rơm bó chặt đầu cây cột, quấn thêm một lớp ni lon, sau đó phủ thơm một tấm nilon che kín trên đỉnh cây rơm để che nước mưa.

Những đêm trăng sáng, trẻ con thường hay chơi trò trốn tìm bên những cây rơm. Mùa lạnh còn tinh nghịch rút rơm phủ kín người. Ấm áp, thơm tho đến nỗi ngủ quên lúc nào không biết, báo hại bố mẹ nháo nhác đi tìm khắp nơi không thấy, đang tính nhờ làng xóm đi tìm giúp thì con vươn vai chui ra từ cây rơm.

Rơm rạ ngày mùa. Ảnh: TH

Ký ức rơm rạ không chỉ có mùi thơm rơm khô hay những vệt khói đốt rạ trên cánh đồng cuối chiều, mà còn có mùi rơm hoang hoải của những ngày mưa bão tháng 5 hay mưa dầm tháng 7.

Vào những ngày tháng 5, dân làng gặt lúa chạy lụt. Thân lúa ngập trong nước, đã mềm, gặt lên bờ lại thừa mưa, thiếu nắng, thế là đành bỏ ngoài ruộng, bố mẹ ăn ngủ không yên. Mỗi ngày trôi qua nếu không có nắng để phơi, rơm sẽ thối rữa, hao hụt.

Nên gặp lúc trời tạnh mưa, cả nhà kéo nhau ra đồng kéo rơm về chất đống ở vườn, bốc mùi mốc meo.

Thứ mùi hăng hắc, nồng nồng, ẩm ướt và mốc meo ấy gắn với những kỳ giáp hạt “ngày ba tháng tám”, tức là trước khi thu hoạch vụ chiêm và trước thu hoạch vụ mùa.

Rồi một ngày, đống rơm ẩm ướt, mốc meo bỗng mọc lên mấy chòm lá mỏng mảnh, xanh xao. Mẹ nói đó là lúa lép còn lại trong rơm mọc mầm, ít hôm nữa sẽ có nấm rơm.

Thế là từ đó, đống rơm mục luôn có “khách viếng thăm”. Ngày vài lần, những đôi mắt đảo qua, sục sạo. Chợt một tiếng reo lên “A, đây rồi”, là mấy cái đầu chụm lại, những bàn tay nhỏ hái từng cái nấm mọc trên mảng rơm mục rã. Những cái nấm còn tròn như trứng chim, chỉ qua một đêm đã giương chiếc dù nhỏ xíu, thấp tè.

Chiều oi nồng, tôi đứng ở góc ruộng, bắp chân nhồn nhột vì những cọng rạ chọc vào, vươn lồng ngực hít lấy hít để mùi thơm đồng ruộng.

Và trong miền thương tưởng rạ rơm, tôi thích thú dõi theo những cậu bé đang mải mê cuộc chơi không bao giờ chấm dứt với rơm rạ.

Với những người lớn lên từ đồng ruộng, mùi rơm rạ không đơn thuần là một thứ mùi, đó còn là mùi của sự no đủ, ấm áp.

Nó mạnh mẽ, dai dẳng đến mức mà ngay cả bản thân tôi, khi đã nạp vào ký ức của mình vô số mùi hương, vẫn xốn xang khi thấy rơm rạ.

Theo THÀNH HƯNG (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm