Báo xuân

Kỳ vọng về "Con đường tơ lụa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ chạy xe dọc theo quốc lộ 78, chúng tôi đã có mặt tại TP. Ban Lung-thủ phủ của tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Quốc lộ 78 lâu nay luôn được kỳ vọng là “Con đường tơ lụa” giữa 2 tỉnh Gia Lai-Ratanakiri.

Thương hiệu Việt ở Ban Lung

 

Một sạp kinh doanh trái cây Việt ở chợ Ban Lung.                    Ảnh: L.L
Một sạp kinh doanh trái cây Việt ở chợ Ban Lung. Ảnh: L.L
Tháng 8-2016, Gia Lai và Ratanakiri đã chính thức ký kết biên bản Hội nghị liên tịch giữa 2 tỉnh nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó 2 tỉnh tăng cường hợp tác luân phiên mỗi năm một lần mở Hội chợ thương mại tại các khu vực dân cư của 2 tỉnh. Năm 2017, Ratanakiri sẽ tổ chức một phiên chợ hàng Campuchia tại Gia Lai.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là chợ Ban Lung. So với Việt Nam, chợ ở đây cũng chẳng khác là bao, bên trong chợ cũng chia ra từng khu vực dành cho hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm tươi sống… Song, điều làm chúng tôi ấn tượng mạnh là sự xuất hiện khá dày các gian hàng, mặt hàng Việt, từ những chiếc quạt máy hiệu Yoyo đến những hộp sữa Vinamilk… Chị Cẩm Nhung-một Việt kiều chuyên buôn thiết bị điện nước cho biết: “Một số sản phẩm mang thương hiệu Việt như ống nhựa, vòi nước, đặc biệt là quạt điện ở đây bán rất chạy”. Còn ông Sor Sa Veth-người dân Ban Lung thì nhiều năm nay luôn tin dùng mặt hàng áo quần Việt Nam xuất khẩu. “Không chỉ thường xuyên mua sắm hàng Việt, tôi còn khám-chữa bệnh ở Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai”-ông Sor Sa Veth cho biết thêm.

Rời chợ Ban Lung, chúng tôi loay hoay hỏi nhau về địa điểm ăn trưa thì bỗng nghe phía sau có giọng của người Việt cất lên: “Các anh, chị tìm quán cơm Việt hả? Đằng kia có cơm tấm, cơm gà Việt Nam!”. Người đàn ông chủ động bắt chuyện: Mình là Việt kiều kinh doanh trái cây tại chợ này, hôm nay được gặp “đồng hương” nên rất vui. Nhìn sang bên kia đường theo chỉ dẫn, ngoài quán ăn, còn có thêm cả khách sạn do người Việt làm chủ và dọc các tuyến đường còn xuất hiện nhiều áp-pích quảng cáo của mạng viễn thông Mefone thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Bất giác, chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười, bởi giữa đất khách, được nói tiếng Việt, ăn cơm do người Việt nấu, ngủ khách sạn do người Việt làm chủ… còn gì hơn thế. Tại Nhà hàng Paradise, các món ăn mang đậm dấu ấn Việt. Ngồi ăn ở TP. Ban Lung mà cứ ngỡ đang ở một nhà hàng nào đó ở Việt Nam.

Kỳ vọng về… “Con đường tơ lụa”

 

Một góc thành phố Ban Lung. Ảnh: L.L
Một góc thành phố Ban Lung. Ảnh: L.L
Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai, nhấn mạnh: “Thời gian tới, ngành Công thương sẽ nỗ lực hơn nữa để thương hiệu Việt có vị trí vững chắc trên thị trường Campuchia, có thể cạnh tranh với những thương hiệu khác…”.

Dạo quanh các tuyến đường của TP. Ban Lung, tôi miên man nghĩ về “Con đường tơ lụa” của người Trung Hoa ngày xưa, với đàn lạc đà đi bộ mang trà xanh, lụa Hàng Châu đến bán tận châu Âu… Và rồi, tôi chợt liên tưởng đến quốc lộ 78 nối hai 2 vùng tiềm năng trong khu vực Tam giác phát triển. Minh chứng là kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa 2 nước qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bình quân mỗi năm đạt 200 triệu USD, cá biệt có năm tăng lên gần 300 triệu USD. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là bách hóa tổng hợp, xăng dầu, phân bón, điện, máy móc thiết bị. Còn mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, gỗ, máy móc thiết bị của các dự án đầu tư.

Về giao thông, từ 2 tỉnh có thể di chuyển bằng ô tô đến các tỉnh, thành phố trung tâm của cả Campuchia và Lào, thời gian lâu nhất chỉ khoảng một ngày đường. Riêng từ TP. Pleiku nếu di chuyển bằng ô tô đi đến TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri) cũng chỉ khoảng 3 giờ... Đây là điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa qua Campuchia và ngược lại. Mới đây nhất, Sở Công thương Gia Lai tổ chức phiên chợ hàng Việt tại TP. Ban Lung, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa, xúc tiến thương mại cũng như giao lưu văn hóa giữa Gia Lai và Ratanakiri.

…Tạm biệt Ban Lung, trở về Pleiku trên tuyến đường 78 đã được nâng cấp, mở rộng, niềm tin của chúng tôi về “Con đường tơ lụa” càng thêm vững chắc. Bởi lẽ, ngay khi phiên chợ hàng Việt diễn ra tại TP. Ban Lung cũng là lúc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang hội đàm với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen với nội dung củng cố phát triển quan hệ với Campuchia.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm