Phóng sự - Ký sự

Kỳ World Cup nhiều âu lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khó khăn kinh tế, căng thẳng chính trị, khủng hoảng ngoại giao, cũng như những đe dọa về tình trạng bạo lực bên lề sân bóng… khiến World Cup 2018 tại Nga chứa đựng nhiều nỗi âu lo trước thềm khai mạc.

"Hãy cân nhắc hai lần trước khi đặt chân đến Nga mùa hè này", hai tháng trước thềm trận khai mạc World Cup 2018, Nhà Trắng phát ra lời cảnh báo chẳng khác gì một lời hù dọa với người hâm mộ bóng đá toàn cầu.

Nhưng với cánh phóng viên thể thao, World Cup vẫn là một sự kiện hấp dẫn nhất hành tinh. Sau khi được FIFA cấp thẻ, chúng tôi nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và rồi đến ngày 4-6, chính thức trở thành một trong 5.000 phóng viên nước ngoài tác nghiệp ở World Cup 2018.

 

Bên trong một cửa hàng bán đồ chính hãng của FIFA tại Matxcơva.
Bên trong một cửa hàng bán đồ chính hãng của FIFA tại Matxcơva.

Đừng quên những lời cảnh báo

Đến nước Nga, không có nghĩa là bỏ ngoài tai những nỗi lo và các thông tin tiêu cực suốt nửa năm qua. Nhà Trắng đã ra lời cảnh báo với công dân của họ về kỳ World Cup này. Ba tháng trước khi World Cup khởi tranh, Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga sau nghi án điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Vụ việc này đã đẩy tình trạng ngoại giao của Nga với các nước phương Tây và Mỹ đến căng thẳng tột độ.

Nga cũng trả đũa bằng cách trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch... Những căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây hiển nhiên sẽ gây một hệ lụy lâu dài đến nền kinh tế chung. Nhưng trước mắt, nó còn khiến các CĐV phải "than trời" khi đặt chân đến Nga xem World Cup.

Người dân Mỹ sẽ phải làm gì nếu phát sinh chuyện cần giải quyết trên đất Nga? Câu trả lời là... không biết. "Cần phải cân nhắc hai lần bởi Mỹ sẽ không có biện pháp nào bảo vệ công dân của mình, thậm chí chúng tôi cũng không thể hỗ trợ họ những vấn đề thông thường từ đại sứ quán. Những nước khác cũng nên như vậy, bạn cần biết lo ngại khi đến những quốc gia mà bạn không được đại sứ quán hỗ trợ" - tờ The Guardian dẫn lời một quan chức Nhà Trắng.

Du khách Mỹ vẫn chiếm một tỉ lệ cao đáng kể trong số lượng khách nước ngoài đặt chân đến Nga hè này. Bất chấp việc tuyển Mỹ không thể giành vé đến Nga, số lượng người Mỹ mua vé xem World Cup vẫn vào khoảng 30.000 - ban tổ chức World Cup 2018 cho biết. 30.000 người Mỹ đến Nga trong tình trạng quốc gia này đang thiếu hụt nhà ngoại giao Mỹ trầm trọng gây ra những nỗi lo lớn.

"Ban đầu chúng tôi định sẽ sang Petersburg vài ngày để xem hai trận Brazil - Costa Rica và Nigeria - Argentina, đều là những trận đấu hấp dẫn cả. Nhưng giờ tôi phải đổi kế hoạch" - anh Fred Sullivan, một du khách Mỹ ở Matxcơva, cho biết.

World Cup rồi sẽ tốt thôi?

 

Khu Fan Fest nằm trong quảng trường nhà thờ Chúa cứu thế ở Petersburg vẫn còn ngổn ngang.
Khu Fan Fest nằm trong quảng trường nhà thờ Chúa cứu thế ở Petersburg vẫn còn ngổn ngang.

Ở World Cup 2014, Bộ Ngoại giao Anh cho biết các nhân viên sứ quán của họ tại Brazil "đã làm việc 24/24 để hỗ trợ cho 20.000 CĐV Anh". Còn mùa hè này trên đất Nga - sau rất nhiều những cảnh báo, lượng CĐV Anh đến Nga ước tính vào khoảng 10.000. Nhưng số nhân viên ngoại giao Anh ở Nga đã bị trục xuất 50 người. Các sứ quán Anh ở Nga sẽ phải vất vả đây!

Những ngày này ở Matxcơva, tôi không gặp nhiều du khách nước ngoài lắm. Có lẽ những đe dọa về tình hình bất ổn ở Nga thực sự khiến người hâm mộ chùn chân, phần lớn đều chỉ muốn đến Nga một khi World Cup chính thức bắt đầu.

Nơi tôi ở trọ vài ngày đầu là một khách sạn nhỏ bé trong phố cổ Arbat - khu vực trung tâm Matxcơva. Một nửa số phòng vẫn còn trống nhưng Aydan - cô lễ tân - thì khẳng định đến khoảng tuần thứ 3 của tháng 6, mọi phòng đều đã được du khách đặt kín chỗ.

Thật ra, FIFA không quá xa lạ với việc đối phó những cảnh báo, e ngại về các nước chủ nhà World Cup những năm gần đây. World Cup 2010 ở Nam Phi, hàng loạt e ngại về thời tiết, múi giờ, nào cúp điện, trộm cướp, rồi cả dã thú... Nhưng rồi Nam Phi đã tổ chức một kỳ World Cup hoàn toàn thành công. Trong một tháng tổ chức, nước chủ nhà không để xảy ra vụ lùm xùm nào.

Bốn năm sau trên đất Brazil, mọi chuyện hỗn loạn hơn nhiều. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trước thềm ngày khai mạc vì người lao động phản đối sự lãng phí của chính phủ. Nhưng rồi khi World Cup chính thức bắt đầu, mọi chuyện cũng yên. Càng âu lo nhiều, đất nước chủ nhà lại càng quyết liệt, chăm chút cho công tác tổ chức.

Và Nga 2018 sẽ thế nào? Chỉ mới vài ngày đầu ở Matxcơva, còn quá sớm để nhận xét về một kỳ World Cup kéo dài cả tháng trời. Cũng có một số e ngại.

Ban đầu, kinh phí tổ chức World Cup được dự tính vào khoảng 18 tỉ USD (tổng chi phí bao gồm cả xây dựng cơ sở hạ tầng) nhưng khó khăn kinh tế khiến Chính phủ Nga quyết định cắt giảm chỉ còn khoảng 8 tỉ USD, trước khi lại tăng lên thành 11 tỉ USD. Sự tiền hậu bất nhất về kinh phí dự trù của các kỳ World Cup vốn không lạ. Nhưng liệu sức ép kinh tế có khiến chủ nhà Nga chùn tay trong việc đầu tư?

Đến tận hôm 7-6, khu Fan Fest (nơi tập trung CĐV đông nhất ngoài các sân vận động) trên Đồi chim sẻ ở Matxcơva hoàn toàn ngổn ngang, dang dở. Ban tổ chức cam kết họ sẽ hoàn thành xong trước hạn, và hãy chờ xem lời hứa của người Nga!

3 phóng viên VN có thẻ tác nghiệp World Cup

VN không có vị thế cao trên đấu trường World Cup nên không lạ khi FIFA chẳng ưu ái chút nào cho cánh truyền thông VN. Họ chỉ cấp vỏn vẹn ba thẻ tác nghiệp chính thức cho các báo viết ở VN, và phóng viên Tuổi Trẻ sở hữu một trong ba tấm thẻ này, cùng hai đồng nghiệp ở báo Bóng Đá và Thanh Niên.

Nhưng có thẻ là một chuyện, có được điều kiện tác nghiệp thuận lợi hay không lại là chuyện khác. Để được tác nghiệp trong từng trận đấu, phóng viên phải tiếp tục đăng ký và chờ duyệt.

Các thành viên ban tổ chức, đội bóng cũng không sẵn sàng trả lời phỏng vấn các nhà báo đến từ các quốc gia không phải là cường quốc bóng đá như VN.

Huy Đăng/tuoitre

Có thể bạn quan tâm