(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 10.234 km đường giao thông. Trong số đó, đường thôn xã chiếm 5.610 km, chủ yếu là đường đất nên việc huy động nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình nhà nước và nhân dân để bê tông, nhựa hóa hết sức cần thiết.
Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu kiên cố hóa 219 km đường giao thông nông thôn. Theo đó, tổng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ cho các địa phương thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn là 72 tỷ 635 triệu đồng.
Trên cơ sở chỉ tiêu làm đường giao thông nông thôn và vốn hỗ trợ làm đường được cơ quan có trách nhiệm phân bổ, các địa phương đã tập trung nguồn lực để làm đường giao thông nông thôn đảm bảo kế hoạch đề ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-ông Nguyễn Trường cho biết: Chỉ tiêu làm đường giao thông nông thôn năm 2013 của huyện là 6 km.
Tiến độ thực hiện đến thời điểm này đạt 50%. Địa phương đã huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, nhất là huy động nhân dân trên tuyến đường thi công đóng góp ngày công lao động cùng với định suất vốn và vật tư tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công. Còn với huyện Chư Pah, để hoàn thành chỉ tiêu 19,81 km đường giao thông nông thôn theo kế hoạch năm 2013, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, đóng góp của nhân dân, huyện đã cân đối từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng để thực hiện.
Huy động dân đóng góp ngày công lao động và các nguồn đóng góp khác để hoàn thành kế hoạch làm đường giao thông nông thôn năm 2013 là một trong những phần việc đang được lãnh đạo các địa phương tập trung triển khai. Tuy nhiên, công tác này chỉ diễn ra ở những xã có mật độ dân cư đông, đời sống người dân khấm khá; các xã mật độ dân cư trung bình và ít hầu như không thực hiện được.
Trong đợt giám sát chương trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh cách đây chưa lâu, lãnh đạo các huyện: Chư Pah, Phú Thiện, Đak Pơ… cho rằng định suất hỗ trợ 115 tấn xi măng và 100 triệu đồng cho 1 km đường bê tông xi măng chỉ đạt 55%; đối với các tuyến đường vùng sâu, vùng xa định suất hỗ trợ hiện nay là quá thấp so với tổng vốn đầu tư làm đường nên rất khó huy động đóng góp của nhân dân bù vào phần còn thiếu.
Hơn nữa, hình thức đóng góp bằng ngày công lao động, không đóng góp bằng tiền là điểm khó trong triển khai làm đường giao thông nông thôn. Tiếp tục tháo gỡ “nút thắt” này, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với lãnh đạo UBND tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào trung tuần tháng 9-2013, nhiều ý kiến đề nghị cho nhân dân đóng góp bằng tiền. Lý do ngày công lao động của người dân hiện rất cao nên khó huy động dân bỏ việc làm thu nhập cao để tham gia làm đường.
Theo nhìn nhận của lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải, sở dĩ UBND tỉnh quy định hình thức đóng góp của người dân bằng ngày công lao động là giảm bớt các khoản đóng góp bằng tiền thuộc về nghĩa vụ nhân dân phải thực hiện tại địa phương hiện nay. Hơn nữa, chủ trương Nhà nước và nhân dân làm đường giao thông nông thôn là tỉnh vay tiền hỗ trợ cho các địa phương thực hiện nên địa phương nào có nội lực thì triển khai, còn địa phương không có điều kiện thì không bắt buộc phải làm.
Vì vậy, trong khi chờ tỉnh quyết định có cho phép người dân đóng tiền hay không thì các địa phương phải linh động phát huy tối đa hiệu quả trang-thiết bị hiện có và vốn sự nghiệp giao thông được phân bổ hàng năm để nâng tỷ lệ cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn. Theo đó, các địa phương sử dụng phương tiện xe lu, xe gạt… được tỉnh trang bị, cân đối nguồn vốn sự nghiệp giao thông được cấp để mua nguyên-vật liệu thực hiện phần việc ban gạt và xử lý nền đường, xử lý hệ thống thoát nước trên tuyến đường… rồi sử dụng nguồn vốn, xi măng được hỗ trợ để cứng hóa đường giao thông.
Quang Văn