Giao thông… không giống ai!
(GLO)- Đến Seoul, ấn tượng đầu tiên với tôi không phải là những hình ảnh quảng cáo các cô diễn viên trong phim đẹp như mơ, mà là sự choáng ngợp của phố xá, của ô tô bóng lộn nối đuôi nhau... Cái giọng ấm áp của cô hướng dẫn viên người Hàn gốc Việt-Minh Nguyệt khiến chúng tôi như thấy đất này rất gần gũi. Cô giới thiệu rằng Seoul có 12 triệu người nhưng thực tế cả dân vãng lai thì lên đến 20 triệu người. Có không dưới 8 triệu ô tô được đăng ký. Bởi vậy, chuyện ùn tắc xe hàng ngày là không tránh khỏi.
Và, chuyện xây dựng hạ tầng giao thông của Hàn Quốc cũng có nhiều kiểu khác người. Có đi gần xuyên suốt chiều dài của đất nước Đại Hàn dân quốc bằng con đường cao tốc xuyên suốt Bắc Nam mới thấy cái khác lạ của người Hàn làm giao thông. Điều khiến tôi thán phục là đường của họ gặp núi thì đào hầm xuyên núi; gặp sông, gặp vực sâu thì làm cầu qua sông và cầu xuyên qua vực nghiêng! Bởi thế mà đường của họ không phải leo dốc, không có ta luy âm-dương… Đặc biệt điều khác người nữa là: đường cao tốc nơi nào đi qua khu dân cư thì các nhà thầu phải làm tường chắn bụi và cách âm.
Khu du lịch ở đảo Jeju. Ảnh: Q.N |
Ở Hàn Quốc, cứ 2 người dân có một chiếc ô tô nên gây bụi và tiếng ồn kinh khủng. Dân Hàn họ kiện nhà thầu vì đường cao tốc gây tiếng ồn quá mức, không ngủ được, không sáng tạo và lao động kém năng suất, ký hợp đồng làm ăn không chuẩn gây thiệt hại cho họ nặng nề… nên kiện các nhà kinh doanh đường giao thông phải bồi thường và họ đã thắng kiện. Chính phủ Hàn đã buộc các nhà thầu đường cao tốc phải làm tường bằng kính chịu lực, cao từ 4 mét đến 5 mét hai bên đường, trồng cây leo tránh bụi… và dài hàng trăm km qua các khu dân cư để tránh ồn và… bụi!
Chưa hết, chuyện có một “thành phố ngầm” ở thủ đô Seoul lại càng hấp dẫn. Trước hết, dù có địa tầng địa lý không thuận lợi, nhưng Seoul lại là một trong những thủ đô dẫn đầu về hệ thống giao thông ngầm, tốc độ cao. Trong đó, hệ thống tàu điện ngầm nối mỗi quận của thành phố và các khu vực xung quanh. Với lượng khách hơn 8 triệu lượt mỗi ngày, Seoul được xếp vào một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất trên thế giới. Ngoài những nhà cao tầng tráng lệ trên mặt đất, còn có những tầng nhà xuống lòng đất theo tỷ lệ của mỗi tòa nhà. Đại loại nếu trên mặt đất tòa cao ốc có bao nhiêu tầng thì ở dưới lòng đất cũng có nhiều tầng.
Từ thời Tổng thống Pak Chung Hee, Chính phủ đã quyết tâm sắt đá: “Các nước khác xây dựng được tàu điện ngầm thì người Hàn cũng phải làm được” và “Những nhà đầu tư cao ốc muốn được Chính phủ phê duyệt xây dựng thì phải chấp nhận xây số lượng tầng ngầm tương đương!”. Đây là quy định bắt buộc của Chính phủ Hàn Quốc. Chính vì thế ngay trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, hệ thống giao thông ngầm đã được xây dựng trong lòng thủ đô Seoul.
Ảnh: Q.N |
Đến Seoul không thể không nói đến con sông Hán chảy qua thành phố Seoul, chỉ riêng cầu bắc qua sông đã là 129 cây cầu nối 2 bờ Nam-Bắc. Dọc hai bờ sông Hán đều kè đá, tiếp kè đá là trồng cây xanh, tiếp đến là đường nội bộ và cứ 500 mét đến 1 km người ta lại xây dựng công viên, khu thể thao, sân bóng, bãi đỗ xe và bến tắm công cộng… để mỗi trưa nắng hay chiều đến là điểm đến cho bất cứ người lao động nào muốn thư giãn.
Độc đáo “Rừng Seoul”
Hàn Quốc là một trong những quốc gia lắm công viên, đồng thời cũng là nước có nhiều công viên độc đáo nhất thế giới: công viên tình dục, công viên nước, công viên sinh thái, công viên suối Cheonggyecheon... Nhưng độc đáo nhất có lẽ là công viên trung tâm-còn gọi là dự án “Rừng Seoul”.
Nếu đi bên bờ Nam sông Hán nhìn sang bờ Bắc ta sẽ thấy 2 ngọn núi to bằng nhau đầy cây xanh. Đó là công viên trung tâm lớn nhất Seoul. Thoạt nhìn, ta đều lầm tưởng là núi tự nhiên. Nhìn xa cứ liên tưởng đến câu thơ: “núi chồng, núi vợ…”. Nhưng thật bất ngờ được biết đó là 2 ngọn núi nhân tạo được bồi đắp lên từ một bãi rác. Bãi rác trầm kha rộng cả ngàn ha, ô nhiễm môi trường. Nhưng với ý tưởng và quyết tâm mạnh mẽ, chính Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (nhiệm kỳ 2008-2013) đã cho xây dựng công trình độc đáo này. Chỉ hơn một năm xây dựng, khu bãi rác hôi thối triền miên đã trở thành công viên tươi xanh, trồng 400.000 cây xanh, nuôi thả hàng trăm loài động vật hoang dã, xây dựng các công trình phúc lợi, để trở thành công viên sinh thái bậc nhất thế giới; nơi nghỉ dưỡng cho người lao động, người già, biểu diễn văn hóa cộng đồng, là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, cùng với xây dựng công viên sinh thái suối Cheonggyecheon, ông Lê Myung Bak được Tạp chí Times bầu chọn là “Người anh hùng của môi trường”.
Quốc Ninh