Nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ sinh năm 1957, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi vùng hạ lưu của con sông Trà Bồng thơ mộng. Vốn xuất thân từ nhà giáo dạy văn, anh từng có thời kỳ dạy học tại đảo tiền tiêu Lý Sơn sau ngày giải phóng đất nước (1975). Sau đó, Nguyễn Tấn Hỷ rời quê Bình Sơn cùng vợ con lên lập nghiệp tại tỉnh Kon Tum và có thời gian làm phóng viên cho tờ báo địa phương này.
Có lẽ nghiệp thơ đã khiến anh rời khỏi nghề báo rồi dành thời gian lang thang khắp đó đây để thỏa chí tang bồng. Đặc biệt, không những anh tự nguyện xây “đền thơ” cho mình mà còn kéo theo cả vợ cùng dấn thân với thơ, cũng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, rồi đến con gái đam mê thơ.
Tập thơ “Lãng đãng muôn chiều” của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ. Ảnh: B.Q.V |
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ không xuất hiện nhiều trên văn đàn cả nước. Nhưng những tác phẩm đăng đều trên các tạp chí văn nghệ địa phương và Báo Gia Lai, Báo Kon Tum… đã được công chúng yêu thơ đón nhận và được giới văn nghệ đánh giá là có phong cách và tạo được dấu ấn trong làng thơ ở miền Trung-Tây Nguyên.
Tuy đến với thơ hơi muộn nhưng Nguyễn Tấn Hỷ từ tốn “chầm chậm tới mình”, anh rỉ rả, ngân nga với sợi tình một cách hồn nhiên, tự tin. Ở “Lãng đãng muôn chiều”, Nguyễn Tấn Hỷ vẫn trung thành với “lối xưa”, đa phần thể hiện theo thể thơ truyền thống với cấu tứ chặt chẽ cùng mạch cảm xúc nhẹ nhàng, uyển chuyển.
Với những câu lục bát dung dị, đầy xúc cảm, anh đã tạo nên một “sắc phố” vào xuân: “Còn đây dáng núi lung linh/Hòa trong cõi mộng tạo hình phố riêng/Còn đây dốc đứng triền nghiêng/Hoàng mai rực sáng phố mình vào xuân”.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ không cầu kỳ, không có những đột phá mà chân chất, mộc mạc: “Tây Nguyên gieo vạt nắng chiều/Chòng chành mây lượn đẹp xiêu lòng người/Cô sơn nữ nở nụ cười/Thêm duyên dáng núi rạng ngời biếc xanh”; hay như: “Gió nhè nhẹ xuyên màn đêm muôn lối/Giọt thời gian im ắng đợi nhau về/Ánh trăng hiền lay động bước chân quê/Ta chợt nhớ mùi hương mùa tóc rối”.
Thơ anh như những bước chân đều đều, nhè nhẹ, dễ cảm: “Hình như trời sắp giao mùa/Gió heo may vạch rào thưa vào nhà/Phải chăng thu muốn trôi qua/Gió se se lạnh làm quà đón đông”…
Và, sẽ là không quá lời khi cho rằng, với “Lãng đãng muôn chiều”, Nguyễn Tấn Hỷ đã mang dáng con sông Trà Bồng quê hương yêu quý hòa vào dòng Đak Bla của Tây Nguyên hùng vĩ tạo nên một sắc thái đặc thù góp phần làm đẹp cho bức tranh Kon Tum thêm đa sắc.