Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Làng quê Bắc Bộ đẹp đến nao lòng qua nét vẽ của họa sĩ 9X

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mái nhà ngói cũ kỹ, cảnh sinh hoạt thân thương hay những cánh đồng lúa chín rộn ràng mùa thu hoạch,… đặc trưng của làng quê Bắc Bộ được "gói" lại trong bộ tranh của họa sĩ 9X Trần Nguyên.

Họa sĩ Trần Nguyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại Nam Định. Chàng họa sĩ sinh năm 1990 cho biết anh đã có năng khiếu và đam mê hội họa từ những ngày còn học cấp 1, cấp 2. Lớn lên, Nguyên quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành thiết kế mỹ thuật điện ảnh.
 

Cả tuổi thơ gắn bó với làng quê nên những ký ức về nông thôn với bờ ao, ruộng lúa đã quá đỗi thân thuộc với chàng họa sĩ 9X.

Anh Nguyên kể, nhờ những ngày tháng đi làm thêm và kiếm tiền bằng nghề vẽ thời sinh viên mà anh được cọ sát với rất nhiều đề tài. Đến khi ra trường, anh quyết tâm theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp.

Tháng 9-2020, chàng họa sĩ tự do đã đăng tải hàng chục bức tranh trong bộ "Ký ức làng quê" lên Facebook cá nhân và các diễn đàn về cuộc sống thôn dã khiến nhiều người bồi hồi và xúc động.


 

Các tác phẩm anh sáng tác hầu hết được lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ


Bao kỷ niệm và ký ức tuổi thơ gắn bó với nông thôn, nên những con đường làng, ngõ nhỏ, cánh đồng lúa chín,... đi sâu vào tâm thức anh, thôi thúc chàng họa sĩ trẻ chọn đề tài làng quê. "Những hình ảnh này hiện nay hầu như không còn nhiều nên tôi muốn tái hiện lại để thế hệ trẻ thời nay thấy được nét đẹp văn hoá xưa, còn những người đã trải qua nhìn tranh có thể tìm về bầu trời tuổi thơ của mình" - anh Nguyên nói.

 

Bức tranh “Khoảnh sân trước nhà” vẽ từ ký ức của bản thân về khung cảnh ngôi nhà ngày xưa của gia đình anh và những người thân trong gia đình.


Bên cạnh hồi ức lại các khung cảnh ở quê hương mình, họa sĩ Trần Nguyên cũng dành thời gian đi thực tế ở các vùng quê, làng cổ khác như làng cổ Đường Lâm, làng Cự Đà… để có cái nhìn đa dạng về cảnh đẹp quê hương.

Trong quá trình sáng tác, theo anh Nguyên, khó khăn nhất là những ngôi nhà cổ bây giờ hầu như không còn được nguyên trạng. Tất cả đều được sửa sang, mất nhiều chi tiết cổ xưa.

Để sáng tác ra một bức tranh mang hồn quê, họa sĩ Nguyên phải tái hiện lại khung cảnh tuổi thơ của mình, dùng những kiến thức về lịch sử mỹ thuật điện ảnh đã được học và tài liệu thực tế. Sau đó sẽ kết nối lại với nhau để sáng tác ra một bức tranh đẹp nhưng vẫn phải đúng với chuẩn mực lịch sử, cũng như phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố "Chân, Thiện, Mỹ".

 

Những ngôi nhà ngói, con đường ngõ nhỏ, cánh đồng lúa bao la bát ngát là những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong tranh của họa sĩ Trần Nguyên


Qua nét vẽ sáng tạo, đầy xúc cảm, những vẻ đẹp xưa cũ, trong trẻo, bình yên của vùng quê Bắc Bộ hiện lên gần gũi, thân thương được mọi người đón nhận nồng nhiệt và ngày càng có sức lan tỏa. Các tác phẩm của họa sĩ 9X đã được triển lãm mỹ thuật tại Hà Nội, Nam Định và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2020, anh cũng tham gia triển lãm ở Hội nghị Cấp cao ASEAN và được đánh giá cao.

"Tôi cảm ơn mọi người rất nhiều. Đó là động lực để tôi sáng tác thêm nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa" – anh Nguyên nói.

"Bật mí" về dự định sắp tới, anh Nguyên cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về và khung cảnh và văn hóa làng quê trên cả 3 miền đất nước để mang đến nhiều điều bất ngờ cho những người yêu tranh.

 

Gia đình quây quần gói bánh chưng trong bức "Chiều 30 Tết". Những ngôi nhà trong các sáng tác của anh có đặc trưng là nhà 3 gian 2 trái có giếng nước, đường làng ngõ xóm xếp gạch mang đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.
Chợ Tết đặc trưng của làng quê Bắc Bộ
Anh Nguyên mất khoảng 2 tuần để hoàn thiện mỗi tác phẩm được vẽ sơn dầu và màu acrylic.


Theo Vân Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm