Nếu một lần được sống trong một ngôi làng nhỏ của ngôi làng lớn Hà Nội, bạn sẽ trân giữ những kỷ niệm đẹp đó suốt đời.
Con đĩ đánh bồng - điệu múa nổi tiếng của làng Triều Khúc - ẢNH: LÊ BÍCH |
1. Tôi có bảy năm sống ở làng Triều Khúc, một trong số tám ngôi làng cổ nhất Hà Nội. Một ngôi làng thực sự. Nó cổ kính. Những phong tục tập quán từ xa xưa còn được người làng lược bớt hủ tục và duy trì cho đến ngày nay.
Làng Triều Khúc vốn có tên cũ là Đơ Thao, bởi làng xưa có nghề dệt quai cho nón quai Thao. Tôi đã bắt đầu những ngày đầu tiên của thời đại học ở đây. Mỗi chiều, tôi lại dắt cháu nhỏ ra chợ làng, khi mua bán, khi dạo chơi ngắm cảnh. Ban đầu, tôi hơi ngạc nhiên khi giữa không gian bề bộn của những nhà cao tầng, những phố dài hẹp kín cửa hàng cửa hiệu, lại có một không gian đẹp của làng quê. Một mái đình yên ả dưới tàng cây cổ thụ. Một thủy đình bên đường qua lối lại, thường có một bà già ngồi bán trầu cau mỗi chiều. Một ngôi chùa cổ kính bên một cái ao lớn, nơi mà mỗi dịp lễ, đặc biệt là rằm tháng bảy, Tết Trung thu, người ta thả hoa đăng lấp lánh mặt nước.
2. Năm nào cũng thế, ra giêng, làng Triều Khúc mở hội. Làng có kết nghĩa anh em với làng Cam Lâm ở Sơn Tây, sinh quán của vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương. Đình làng Triều Khúc cũng thờ vị vua nổi tiếng xứ Đoài mây trắng này, đó là lý do vì sao trẻ em trong làng không gọi đấng sinh thành là “bố”, mà là ba, tránh phạm húy với thành hoàng làng. Cách một đôi năm, vào dịp lễ hội, làng Triều Khúc lại cử một đội những người làng ưu tú nhất trống giong cờ mở lên Cam Lâm thăm người anh em kết nghĩa, và ngược lại.
Tôi thích nhất không khí ở Triều Khúc vào dịp này. Làng khai hội vào mùng 9 Tết Nguyên đán, kéo dài đến ngày 11. Nếu du khách muốn được xem điệu múa cổ nổi tiếng Con đĩ đánh bồng thì có thể đến đây. Con đĩ đánh bồng hiểu đơn giản là người con gái đánh trống. Thế nhưng, những cô gái đánh trống trong lễ hội làng hằng năm lại không phải là… cô gái, mà là những người đàn ông trong làng. Họ được trang điểm son phấn và mặc bộ váy rất sặc sỡ. Điệu múa cũng không nhiều cầu kỳ, nhưng xem lại rất bắt mắt. Chính vì thế, nên lễ hội diễn ra hằng năm, nhưng không năm nào thiếu những nhà nhiếp ảnh nô nức đến đợi chờ và chụp ảnh “những con đĩ đánh bồng” xinh đẹp của làng. Các cụ nói “Đây là việc làng. Trước sau làng làm theo lệ làng tự cổ xưa truyền lại”.
3. Giáp tết, những người đàn ông đủ 49 tuổi của làng sẽ tham gia một lễ lớn trong đời: lễ lên Bô. Hằng năm, lễ lên Bô cho những người đàn ông đủ tuổi 49 trong làng được tổ chức vào 25 tháng 11 âm lịch. Làng vẫn theo nếp dân gian của người Việt. Trọng tĩnh (sự thanh bình, không thay đổi), trọng tình (trọng tình nghĩa), trọng xỉ (trọng người già, vì những người già). Nghĩa là trọng những người có kinh nghiệm, có uy tín và vô cùng quan trọng đối với cộng đồng.
Những ngày của lễ lên Bô này, khắp làng, chỗ nào cũng rực rỡ sắc màu của cờ hoa, khăn áo. Làng quy định các cụ cửu, cụ bát mặc áo dài gấm đỏ, quần lụa trắng, khăn gỗ đỏ. Các cụ thất áo dài gấm xanh, khăn gỗ xanh, quần lụa trắng. Các ông Bô trẻ mặc áo the đen, quần lụa trắng.
Ở làng Triều Khúc, đến nay, chỉ có các cụ ông lo việc làng. Trong việc làng, vị trí sắp xếp theo ngôi thứ. Cao nhất là cụ cửu (chín mươi tuổi trở lên) rồi đến các độ tuổi thấp hơn. Các cụ vẫn giữ nếp xưa, rất nhân văn: Luôn mang về một phần nhỏ quà trong buổi lễ dành cho con cháu trong nhà, với quan niệm: “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”.
Tôi không được sinh ra ở một ngôi làng cổ, nhưng bảy năm sống ở “làng người ta” ấy, dường như tôi đã gặp bóng người xưa từ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội trong những phong tục cổ còn được lưu giữ. Tôi nhớ những người phụ nữ trung và cao tuổi ở đây có lối xưng hô rất lạ: “Min” - một từ Việt cổ chỉ ngôi thứ nhất. Nhớ mỗi khi đến tết, khách sẽ được mời “Về nhà tôi ăn bánh” chứ không phải “ăn tết”. Và, ở làng Triều Khúc nay, việc làng vẫn duy trì và phát huy với những sắc màu văn hóa và nhân văn cao cả.
Theo PHẠM THANH THÚY (thanhnien)