Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Lãnh đạo Nghị viện châu Âu thăm Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 8-1, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Nghị viện châu Âu đến tìm hiểu về tình hình phát triển lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Cùng tham dự buổi làm việc có Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và một số sở, ngành của tỉnh.
 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyễn
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyễn
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Tỉnh Gia Lai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên; tỉnh cũng đã chỉ đạo giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ và việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước láng giềng. Gia Lai cam kết, nỗ lực và quyết tâm đấu tranh chống khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp, tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và các nội dung của Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước và các bên có liên quan để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái pháp luật qua biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Nghị viện châu Âu, Liên minh châu Âu, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc kêu gọi doanh nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu đầu tư vào lĩnh vực phát triển rừng; hỗ trợ tỉnh đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rừng sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản xuất gỗ trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala đã cảm ơn sự tiếp đón chu đáo của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đồng thời cho biết Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu đã vượt qua giai đoạn ký kết, chuyển qua giai đoạn xem xét để phê chuẩn. Bà Heidi Hautala cho rằng giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã đạt được những thỏa thuận quan trọng về những nội dung đã ký kết và sẽ triển khai nhiều phần việc trong thời gian tới. Mục đích những buổi làm việc với các địa phương là nhằm đánh giá quá trình thực thi của Việt Nam để tiến tới cấp phép cho những sản phẩm gỗ được phép nhập khẩu vào thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU).
Sau buổi làm việc, đoàn công tác của Nghị viện châu Âu đã đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để tìm hiểu về tình hình nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu; việc thực thi quy định của pháp luật liên quan và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động-thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)...
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm