Năm 1982, những chiếc tàu đầu tiên ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã tìm đường ra đảo Cát Vàng (Hoàng Sa), năm đó ngư dân Dương Minh Thạnh 28 tuổi...
Những ngư dân đi chuyến đầu tiên đều giao lại tay lái cho con, nhưng riêng ông Thạnh thì vẫn đồng hành cùng 2 con trai đến bây giờ.
Thuyền trưởng U63
Đảo Bom Bay quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm ở tọa độ 16 độ 02 phút vĩ độ bắc - 112 độ 32 phút kinh đông. Vào một ngày mùa đông năm 2017, khi sóng gió bắt đầu bủa vây hòn đảo hình hột xoài, khiến con lạch nhỏ đi vào bên trong lòng đảo để neo đậu rất khó khăn. Vài chiếc tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam chỉ dám lòng vòng chạy núp gió bên ngoài thì con tàu do một lão ngư dân 63 tuổi vẫn lượn theo hướng sóng bổ, trườn lên, hụp xuống để chạy vào trong lòng đảo một cách dễ dàng. Đó là ngư dân Dương Minh Thạnh, quê ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Đảo Bom Bay là nơi mưu sinh, nhưng nơi đây cũng suýt từng là ngôi mộ tập thể dành cho ông và 12 ngư dân Lý Sơn trong lần đắm tàu và sống trên hoang đảo suốt 22 ngày đêm.
Ngư dân Dương Minh Thạnh |
Nhìn bề ngoài thì không thể nào đoán được tuổi tác của lão ngư dân Dương Minh Thạnh. Tóc ông Thạnh vẫn đen, mắt sáng rõ, da căng bóng, đường nét già nua lặn vào bên trong.
Ông Thạnh chứng minh rằng mình chưa có tuổi bằng cách vẫn ôm vô lăng lái tàu mấy ngày đêm đi Trường Sa, về Hoàng Sa, ra bãi ngầm Macclesfield nằm giữa biển Đông xa xôi. Nhưng nhờ những chuyến đi khơi đó, ông vẫn còn cơ hội ra Hoàng Sa thăm đảo Bom Bay và nhớ thời cả đảo mò mẫm kiếm đường ra Cát Vàng (Hoàng Sa). Bên cạnh đó, chuyến đi nào tàu cũng băng qua đảo Đá Lồi, đó là dịp để ông thắp hương tưởng niệm các bạn chài của mình. Năm 1991, tàu cá của ngư dân Nguyễn Minh ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn tự mò đường ra đảo, đâm vào bãi ngầm và 10 ngư dân không còn ai sống sót.
Đã 63 tuổi, lái tàu đến những vùng biển xa thì thường chịu áp lực, nhất là ban đêm phải quan sát liên tục để tránh tàu vận tải. Vào mùa mưa bão, tầm quan sát đôi khi bằng không. Vì trước tàu là sóng đổ, mưa trắng trời, mây dường như sà xuống mặt biển để tạo ra bức tranh âm u như địa ngục. Nhưng với một người 35 năm ôm bánh lái, ông Thạnh có thể cảm nhận chiều rung lắc trên con tàu và ngầm hiểu được sóng trước mũi tàu lớn hay nhỏ, đổ theo hướng nào, cần quay vô lăng ra sao để con tàu mượn sức nước đẩy đi nhưng không bị sóng vùi dập.
“Cả đời đi Hoàng Sa, Trường Sa quen rồi, ở nhà buồn hơn đi biển, chắc cũng phải đi cả chục năm nữa thì mới rút vô đất liền”, ông Thạnh nói.
Công chức xin đi cát vàng
Lý Sơn 7 năm sau ngày giải phóng vẫn nghèo, ngư dân chưa có tàu lớn. Năm 1981, ông Thạnh là cán bộ đoàn thanh niên, phó ban công an xã An Hải. Ông Thạnh tham gia vào dự án đóng tàu lớn vào cuối năm 1981. Con tàu mang số 73. Chờ đến đầu năm 1982 có thêm 2 tàu cá của ngư dân Dương Chính mang số 71, Nguyễn Văn Lợi, số 72, các ngư dân mới tính chuyện đi song song để ra Cát Vàng (Hoàng Sa).
Ông Thạnh tham gia vào dự án đóng tàu lớn vào cuối năm 1981 |
Sáng 16/2/1982, cả làng chài tạm biệt 3 chiếc tàu dàn hàng ngang đi tìm đảo Cát Vàng. Theo tính toán, các ngư dân sẽ tìm đảo đầu tiên là Tri Tôn, tọa độ 15 độ 47 phút vĩ độ bắc - 111 độ 12 phút kinh đông. Đây là đảo gần Việt Nam nhất, lính Trung Quốc trên đảo luôn lo sợ và canh chừng, cảnh giới cao độ. Vì vậy, đoàn tàu tìm đến đây có nghĩa là đi vào ổ kiến lửa.
Sau 2 ngày hành trình với chiếc la bàn nhỏ xíu, cộng với sự phán đoán của ngư dân, tàu đến được đảo. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân vào cận đảo Tri Tôn. Từ xa, ông Thạnh nhìn thấy một chiếc tàu đắm, phần đế sơn màu đỏ, phần đuôi sơn màu nhà binh. Khi đến gần thì đây là một doanh trại lính xây giống tàu thuyền để dọa nạt bà con. Lính Trung Quốc, chiếm đóng trái phép trên đảo, thấy tàu cá thì nhảy lên hạ cờ trên nóc nhà và bắn luôn, khiến 2 tàu cá đi cùng phải dạt chạy đi tìm đảo khác. Ông Thạnh không sợ chết nên cứ cho tàu ủi vô đảo và ra hiệu “đi lạc”. Sau khi bị khám xét, ông Thạnh cùng các bạn thuyền được thả đi.
22 ngày trên Hoàng Sa
Gần 10 năm xuôi ngược Hoàng Sa thì ông Thạnh gặp nạn. Năm 1991, có một cơn bão cực băng qua Hoàng Sa. Lúc 5h chiều ngày 27/5 âm lịch, chàng ngư dân Dương Minh Thạnh, 28 tuổi run rẩy nhìn mặt biển trở thành một bể sóng dữ cồn cào. Trên tàu có 12 ngư dân Lý Sơn, ai cũng tuyệt vọng nói “chuyến này chắc chắn là chết, bỏ vợ bỏ con”. Nhiều ngư dân "bĩnh" ra quần khi không còn khóc nổi. Con tàu không còn theo sự điều khiển. Có lúc, đuôi tàu bị sóng hất văng lên không trung rồi ập xuống, có lúc tàu xoay trái, đảo phải như chiếc chong chóng.
Ông Thạnh cố cho tàu đâm thẳng lên gò san hô đảo Bom Bay. Cuối cùng, tất cả đều lên đảo và bám vào chân trụ đèn biển. Sau giây phút thiếp đi thật dài và tỉnh dậy, các ngư dân bắt đầu nghĩ đến kiếm cái ăn, tìm nước ngọt. Mọi người tìm được chiếc chăn con công và đưa nhau xuống lòng đảo dùng chăn để quây bắt cá. Những chú cá nhỏ li ti được những đôi bàn tay nhăn nheo hốt lên bỏ vội vã vào miệng nhai ngấu nghiến. Trong cá có sẵn nước nên cơn khát dịu đi bớt phần nào.
Đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa |
Bom Bay vào thời đó là một hoang đảo, vì nằm cách đảo Phú Lâm, cụm Lưỡi Liềm là trung tâm của Hoàng Sa khoảng 100km. Các ngư dân hàng ngày ngóng nhìn ra biển với hy vọng tìm thấy bóng dáng con tàu. Một tuần lễ vô vọng. Các ngư dân tìm thấy thùng nước nằm cạnh bình ác quy để nối với chiếc đèn biển và chấm thử vào tay, sau đó kết luận là nước mưa pha vào bình, không phải axit. Vậy là cơn khát được giải tỏa.
Những đêm lạnh nằm co ro dưới sàn đá, ông Thạnh luôn mơ thấy có tàu ra cứu mình. Lúc đó ở đảo Lý Sơn, gia đình các ngư dân đều lập bàn thờ cúng tế và chuẩn bị làm mộ gió. Riêng vợ ông Thạnh thì cũng có giấc mơ như chồng. Bà thấy ông còn sống. Bà quyết định không lập bàn thờ mà gọi tàu đi cứu người ở Bom Bay.
Ở giữa hoang đảo, đêm nào ông Thạnh cũng như người ngồi thiền, ông niệm gọi tên các thuyền trưởng Nguyễn Lợi, Lê Lộc. Ông hy vọng mình sử dụng phương pháp như vậy để 2 thuyền trưởng trên cảm thấy nóng ruột rồi đi cứu người. Một ngư dân bò ra sàn, lấy viên đá khắc lên tường ngày tháng bị nạn để làm kỷ niệm. Lúc đó các ngư dân mới biết, tường được lát bằng tấm đồng. Các ngư dân tháo ra gò thành nồi để nấu ăn. Vì trước đó mấy ngày, một chiếc hộp nhựa đựng ghim vá lưới của ngư dân Hồng Kông trôi vào cột đèn. Trong hộp có một chiếc bật lửa. Quanh đảo luôn sẵn có xác tàu trôi nổi để làm củi, giúp các ngư dân có được món cá nấu chín.
Sau 22 ngày trên hoang đảo, một chiếc tàu của ngư dân Bình Định cập vào đảo cứu ngư dân. Sau đó tàu của ngư dân Lý Sơn mang bao đi tìm xác chết cũng ra tới nơi. Các ngư dân được đưa lên tàu cấp cứu, cho nằm ngoài boong và đổ cho uống nước chanh từ từ, đến ngày hôm sau thì mới cho ăn cháo loãng. Ngư dân Bình Định liên tục hối thúc phải chạy vào bờ sớm, vì đài Bạch Long Vĩ dự báo sắp có cơn bão mới.
Đảo Lý Sơn có rất nhiều đình miếu linh thiêng. Chuyến đi đầu tiên trở lại hòn đảo in dấu tích Hùng binh Hoàng Sa được chuẩn bị rất kỹ. Ông Chính xuống UBND xã mượn bản đồ hành chính về tự đo đạc tỷ lệ xích, cho tàu chạy 1000 ga, sau đó ném chiếc phao ra phía sau để làm phép tính nếu chạy với tốc độ trên thì bao nhiêu giờ sẽ ra đến đảo. Cả 3 thuyền trưởng làm lễ cúng mâm xôi gà tại các miếu Cô Hồn, bà Chúa Ngọc, dinh Tam Tòa, miếu Thủy Long, miếu Thiên Quỷ, Âm linh tự. Nơi nào cũng khói hương nghi ngút với lời nguyện cầu ra đi bình an và tìm thấy đảo. |
Tàu Bình Định cứu mình ở xã nào, tên tuổi các ngư dân là gì? Gần 30 năm, ông Thạnh luôn để bụng điều này. Ngư dân Bình Định luôn xua tay và cho biết, đi biển cứu người là nghĩa vụ của một người làm biển. Nếu ai trông mong trả ơn thì tự rước họa vào thân. Vì vậy không nên tìm đến tạ ơn, không cần biết nhà cửa, quê quán, tên tuổi người đã ra tay cứu giúp. |
Lê Chương (Nongnghiepvietnam)