(GLO)- Từ một công nhân thủy lợi, ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã trở thành một nông dân thứ thiệt với mô hình trồng sầu riêng xen canh cà phê mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Mạnh dạn “làm lại từ đầu”
Gặp chúng tôi tại căn chòi nhỏ nằm ẩn mình trong cơn mưa chiều Tây Nguyên, bằng chất giọng xứ Nghệ, câu nói đầu tiên của ông Thuận là: “Nói thật, làm nông khổ lắm, không sung sướng chi mô. Nhưng đã làm nông nghiệp thì phải mạnh dạn đầu tư mới mong làm giàu”.
Ông Thuận bên vườn cà phê xen canh sầu riêng. Ảnh: Mộng Thường |
Ông Thuận xa quê Hà Tĩnh từ năm 1991 đi học trung cấp tại Bình Định, sau đó đi làm công nhân thủy lợi. Tuy nhiên, đời công nhân thủy lợi nay đây mai đó khiến ông sớm từ bỏ và tìm hướng đi mới. Năm 1994, ông Thuận sang Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) và lập gia đình. Tại đây, ông đi buôn sầu riêng kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong quá trình buôn bán, nhận thấy giá trị kinh tế của cây sầu riêng nên đến năm 1995, ông bắt đầu mua giống sầu riêng thường rồi về cắt, ghép với sầu riêng Thái để trồng xen trên vài sào cà phê của gia đình.
Vậy nhưng, với ông Thuận có lẽ Đak Lak vẫn chưa phải là điểm dừng chân lý tưởng. Đến năm 2007, gom góp hơn 200 triệu đồng, ông quyết định “làm lại từ đầu” tại xã Ia Pếch. Nở nụ cười điềm đạm, ông Thuận bộc bạch: Với số vốn ban đầu này, ông mua 3 ha đất trồng hoa màu và xây một ngôi nhà cấp 4. Sau khi ổn định được cuộc sống gia đình, thấy đất cằn cỗi nên ông bán đi rồi vay thêm vốn ngân hàng để mua 4,6 ha đất khác để trồng xen canh sầu riêng và cà phê. Bên cạnh đó, ông còn trồng một số loại cây ăn quả khác như: chôm chôm, bơ… Ban đầu, với số vốn ít ỏi, nợ nần chồng chất, ông chỉ đầu tư một cách e dè, cầm chừng, trông chờ vào vụ thu hoạch đầu tiên. Sau 4 năm, cà phê và cả sầu riêng cho thu hoạch.
“E ngại thì không thể làm giàu”
Tiếp tục xoay vòng vốn, ông Thuận mạnh dạn vay của Ngân hàng Quân đội (MB) thêm 2 tỷ đồng để đầu tư, tự mày mò lắp đặt hệ thống nước tưới tự động. Có vốn đầu tư, ông dễ dàng tiết kiệm mọi chi phí sản xuất có thể, đặc biệt là trong khâu bón phân. “Thay vì vừa thu hoạch xong là bỏ tiền mua phân ngay thì tôi cho cây nghỉ ngơi, bón phân từ từ, lựa thời điểm thích hợp khi giá phân xuống thấp hơn bình thường thì mua về dự trữ, mỗi năm bón tầm 3-4 đợt phân nhưng chi phí vẫn rất thấp. Nói đơn giản, thay vì mua phân vào dịp tháng 3, tháng 4, giá phân chuồng dao động trên dưới 600 ngàn đồng/xe thì đến tháng 6, tháng 7, tôi chỉ tốn tầm 400 ngàn đồng/xe, tiết kiệm được chi phí sản xuất rất nhiều…”-ông Thuận chia sẻ kinh nghiệm.
Từ nhiều năm nay, 4,6 ha cà phê của ông Thuận vẫn “ở chung” với hơn 400 cây sầu riêng. Mỗi năm, nguồn thu từ cà phê giúp ông Thuận có được gần 600 triệu đồng. Riêng với sầu riêng, tuy chỉ mới thu hoạch được hơn 80 gốc nhưng ông Thuận đã có thể thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Đó là chưa kể đến các sản phẩm xen canh khác như: bơ, chôm chôm...
Với ông Thuận, đầu tư cho cây sầu riêng mang lại nhiều lợi nhuận: “Đôi khi, tôi phải hy sinh một vài cây cà phê xung quanh để cho sầu riêng phát triển. Cứ tính đơn giản, nếu đầu tư chăm bón, đến thời điểm hiện tại, có cây đã mang về hơn 20 triệu đồng/năm, 3 hay 4 cây cà phê xung quanh có ăn thua gì. Thêm nữa, trồng sầu riêng ít tốn công, không giống như cà phê là phải tự tay mình làm thì mới kiểm soát được hết bệnh tật”. Theo kinh nghiệm của ông Thuận, giai đoạn trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng, cần chú ý cân bằng lượng phân NPK phù hợp, bón phân kali trắng kịp thời để múi sầu riêng được chắc, thơm và ngon hơn. Ngoài ra, để sầu riêng không bị sượng, thời điểm này tuyệt đối không bổ sung u rê và kali đỏ...
Với sự mạnh dạn trong đầu tư, áp dụng hình thức xen canh các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, đến nay gia đình ông Thuận đã trở nên khá giả. Tuy nhiên, lão công nhân thủy lợi cười buồn với chúng tôi khi chia sẻ nỗi trăn trở: “Nói thật, tôi chỉ ước gì bà con vùng này mạnh dạn áp dụng mô hình này. Đơn giản là vì, nếu chỉ mỗi mình tôi sản xuất, thương lái đến thu mua, vận chuyển cứ vin cớ “đường xa, khó đi” nên ép giá. Tuy rằng khi trồng nhiều, giá cả có thể thấp xuống một tí, nhưng thay vì để thương lái thu mua, vận chuyển đến vùng khác, mình có thể tạo ra đại lý thu mua, không qua nhiều khâu trung gian thì kinh tế bà con sẽ phát triển. Nếu cứ e ngại thì không thể làm giàu”.
Mộng Thường