Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lao xao bờ giậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn”-câu thơ ấy của thi sĩ Nguyễn Bính đã đi vào lòng bao thế hệ bởi sự thân quen và gần gũi. Ngày xưa, nhà cách nhà chỉ bằng một ranh giới vừa mong manh lại vừa nên thơ và xanh mướt đến diệu kỳ như vậy.
Minh họa: Kim Hương
Nào có ai bước chân rời khỏi quê nhà mà lòng chẳng nhớ đến một đứa bạn hoặc một người hàng xóm hay là một người thương nào đấy bên kia bờ rào. Cái rào giậu xanh xanh ấy không chỉ để phân định ranh giới giữa hai nhà như các hàng rào xây hiện đại bây giờ, mà nó còn là một vườn rau thu nhỏ của gia đình hai bên, khi là giậu mùng tơi, lúc là đậu rồng, khổ qua… Những loại rau leo được tự nhiên bám vào trụ rào mà bò lên xanh um đến mát mắt. Hai nhà hai bên, thường tới bữa ra hái rau về nấu, những câu chuyện xóm làng bên bờ giậu cứ thế mà mở ra, khoảng cách xóm giềng vì thế cũng gần lại. Điều đặc biệt của giậu cây xanh này là nó thường không quá cao, đủ để hai nhà vẫn thấy để chào hỏi nhau. Chỉ có lũ trẻ con loi nhoi mới phải nhảy cẫng lên để thấy cái chỏm đầu của nhau mà nói chuyện. Nhưng thật ra cũng không cần kiễng chân mấy, đám trẻ sẽ tự chuyền sang vườn của nhau nếu gần bờ giậu ấy có cái cây cao lớn một chút. Thể nào cái cây to ấy cũng có nhiệm vụ như một chiếc cầu nối những đứa trẻ của hai nhà lại, vì có đứa trẻ nào lại không thích trèo cây.
Cái khoảng xanh đó, nếu không là rau thì lại là hàng chè xanh, râm bụt hay chè tàu được cắt xén vuông vức, bằng chằn chặn đến thích mắt. Các chồi non trổ đều như mời gọi. Và nếu đến mùa hoa thì cái giậu râm bụt ấy mới đẹp làm sao. Đám trẻ náu mình trong những giậu râm bụt để bứt trộm hoa chơi đồ hàng, nào là lồng đèn, nào là nấu ăn, nào là hoa cài tóc làm cô dâu hoặc làm nước xà phòng nhơn nhớt. Kiểu gì đám trẻ cũng lấy hoa, lấy lá mà chơi cho được. Vậy mà giậu hoa vẫn xanh um chứ không trơ trụi vì những nghịch ngợm của trẻ. Và bởi những cái giậu kiểu này to và dày hơn hẳn các giậu rau leo, thế nên chúng thường khoét, tẽ các nhánh cây chè, cây râm bụt thành những cái lỗ nhỏ để đi sang nhà bạn cho nhanh. Cứ rào lại đầu này là lại thấy có một cái lỗ hổng mới ở đầu kia đầy mời gọi.
Và đến cái tuổi biết bồi hồi thì đám trẻ cũng nhổ giò từ lúc nào. Nhà cách nhà chỉ một bờ giậu mà bỗng trở nên xa cách khi con người ta biết thẹn thùng. Rồi những món quà bí mật giắt ở một góc khuất trong vòm xanh ở cuối vườn, những lá thư viết vội với nét chữ học trò tròn trịa mực tím, những lời hò hẹn không đầu không cuối biến mất khi đám trẻ bước chân ra phố.
Đến một ngày mỏi mệt phố xá, chúng bước chân trở về bàng hoàng ngơ ngác. Cái giậu rào xanh mướt ngày xưa đã biến thành bức tường cao quá đầu người, không gian chợt thiếu vắng đến hụt hẫng. Nhà bên cạnh nhà im ắng, cửa thường đóng chặt, muốn hỏi thăm nhau lại vướng cánh cổng vào. Lòng lại bồi hồi nhớ đến những vẹn nguyên xanh ngắt của bờ giậu ngày xưa...
 KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm