(GLO)- Tự chuyển đổi mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, xây dựng được thương hiệu sản phẩm rồi liên kết với người dân để đáp ứng đầu ra cho doanh nghiệp-đó là mô hình mà Hội Người trồng tiêu xã Nam Yang (huyện Đak Đoa, Gia Lai), đứng đầu là nông dân Ngô Văn Tiên, đang hướng đến và bước đầu thành công.
Không những giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, mô hình còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nông dân liên kết với… nông dân
Vườn hồ tiêu xanh tốt được anh Ngô Văn Tiên (xã Nam Yang) chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2016. Ảnh: S.N |
Giá rớt liên tục trong thời gian qua khiến không ít người trồng hồ tiêu lâm vào cảnh lao đao, nợ nần. Cùng với đó, diện tích sản xuất hồ tiêu đang đối mặt với dịch bệnh tiêu chết hàng loạt, sản phẩm bán ra không đảm bảo chất lượng vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, đã có nhiều nông dân chuyển sang sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ, bền vững.
Điển hình là trường hợp của anh Ngô Văn Tiên (thôn 1, xã Nam Yang). Từ năm 2016, anh đã âm thầm xây dựng thương hiệu sản phẩm hồ tiêu ngay trên chính vườn nhà mình. Hơn 12.000 trụ hồ tiêu kinh doanh và 2.000 trụ tái canh đang cho quả bói hiện đã được anh chuyển từ mô hình canh tác truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, tháng 3-2018, anh Tiên là nông dân duy nhất của tỉnh Gia Lai tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam-Singapore” do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại thủ đô Singapore. Tại đây, sản phẩm hồ tiêu của anh được công nhận là “Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”. Chính vì vậy, ngay tại thời điểm này, dù giá hồ tiêu ngoài thị trường đang xuống thấp, chỉ khoảng 50.000 đồng/kg nhưng sản phẩm tiêu hữu cơ của anh vẫn bán ra ở mức trên 100.000 đồng/kg.
Thành công hơn nữa, từ khi xây dựng được thương hiệu đã có nhiều doanh nghiệp liên hệ, đặt vấn đề thu mua sản phẩm tiêu hữu cơ của anh. Tuy nhiên, điều kiện mà doanh nghiệp đưa ra là phải có nguồn hàng cung cấp ổn định từ 20 tấn trở lên. Do đó, hiện anh Tiên và một số nông dân tiên tiến trên địa bàn xã Nam Yang đang kết nối, liên kết các hộ nông dân xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ để đảm bảo nguồn hàng đáp ứng theo yêu cầu, đồng thời giúp người dân nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hồ tiêu.
Anh Trần Quang Sơn (thôn 1, xã Nam Yang-người đứng giữa) giới thiệu các sản phẩm tiêu do máy sấy của chính anh sáng chế. Ảnh: S.N |
Cũng là một nông dân tiến bộ, nhiều năm nay anh Trần Quang Sơn (thôn 1, xã Nam Yang) cũng đưa hơn 1.500 trụ tiêu của gia đình vào sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, với tay nghề của một thợ cơ khí, anh đã mày mò nghiên cứu và sáng chế thành công máy sấy tiêu bằng tia hồng ngoại nhằm giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Sơn cho biết, ban đầu anh có ý định mua công nghệ sấy tiêu của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do giá thành quá đắt (hơn 1,5 tỷ đồng) nên anh chuyển hướng sang mua máy sấy, nhưng rồi lại rút lui bởi giá chiếc máy này cũng trên 100 triệu đồng. Nhờ anh thay đổi ý định nên giờ đây người trồng hồ tiêu mới tiếp cận được máy sấy tiêu tự động bằng tia hồng ngoại với giá “cực bình dân”, chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng/máy.
Theo anh Sơn, qua công nghệ sấy này, hạt tiêu vẫn giữ màu sắc ban đầu nên khá bắt mắt, giá cũng được nâng lên cao gấp 5 lần sản phẩm tiêu khô ngoài thị trường. Đặc biệt, loại máy sấy này chỉ “dung nạp” hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ, bởi có như vậy mới cho ra được sản phẩm đạt chuẩn về cả hình thức lẫn chất lượng. “Những hộ dân nào tham gia vào mô hình liên kết sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, tôi sẽ ưu tiên chuyển giao công nghệ, hỗ trợ miễn phí ngày công lắp đặt máy sấy”-anh Sơn khẳng định.
Hướng phát triển ổn định, lâu dài
Tại hội thảo liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững do Hội Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) tổ chức vào sáng 3-4, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu không hình thành được vùng sản xuất an toàn theo quy hoạch thì rất khó để triển khai các giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững và xây dựng thương hiệu có tính cạnh tranh trên thị trường. Dù sản lượng hồ tiêu có đạt cao nhưng vẫn chưa điều phối được giá cả thị trường.
Ông Đoàn Ngân (thôn 1) cho biết: Hiện ông đang có 8.000 trụ tiêu, số chuẩn bị kinh doanh khoảng gần 3.000 trụ. Trước giờ, ông Ngân canh tác theo dạng "mạnh ai nấy làm". Vì thế sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ mà còn bị tư thương ép giá. “Hội thảo này cũng là dịp để tôi hiểu ra tầm quan trọng của việc xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất hồ tiêu, nâng cao vai trò của mình trong xây dựng, phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững. Đặc biệt, chúng tôi cần phải thay đổi thói quen canh tác lâu nay, ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật”-ông Ngân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tùng-Chủ tịch UBND xã Nam Yang, cho biết: Tháng 8-2017, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang ra đời trên cơ sở gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng hồ tiêu trên địa bàn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ khi ra mắt, đơn vị này đã liên kết với Công ty Hồ Tiêu Việt (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà (tỉnh Bắc Ninh) nhằm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm cho nông dân theo hướng sản xuất bền vững. UBND xã cũng đã ban hành kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn với quy mô 42 ha cà phê; 20 ha hồ tiêu với 117 hộ tham gia tại thôn 1, xã Nam Yang. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện cánh đồng lớn triển khai chậm so với kế hoạch đề ra và khó khăn trong việc tuyên truyền vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững. |
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Mẫn (thôn 5) cho biết: Khi nghe anh Ngô Văn Tiên trình bày các vấn đề liên quan đến cây hồ tiêu như: Cách nhận biết các giống hồ tiêu; cách lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; giá thành lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; giá cộng hưởng đối với hồ tiêu sản xuất sạch so với sản xuất bình thường; quy trình bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch; cam kết tìm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đối với nông dân tham gia liên kết chuỗi sản xuất hồ tiêu an toàn…, ông rất đồng tình với ý tưởng này. “Theo tôi, đã đến lúc nông dân cần phải bắt tay nhau xây dựng mối liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và có đầu ra ổn định chứ không bấp bênh như trong thời gian qua”-ông Mẫn bày tỏ.
Theo anh Ngô Văn Tiên, ý tưởng thành lập chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững, an toàn được anh ấp ủ từ nhiều năm nay. Đến khi sản phẩm hồ tiêu được chứng nhận an toàn, giá bán cao gấp đôi so với thị trường thì anh mới mạnh dạn vận động bà con trong xã liên kết lại để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, tại hội thảo sau khi nghe anh trình bài ý tưởng về mô hình liên kết, đã có 20 hộ dân (diện tích hơn 60 ha trồng hồ tiêu) đăng ký tham gia.
Đông đảo những hộ dân trồng hồ tiêu xã Nam Yang quan tâm đến ý tưởng liên kết sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu theo hướng hữu cơ do anh Ngô Văn Tiên khởi xướng. Ảnh: S.N |
Nhận định về hướng đi của anh Tiên, ông Lê Kim Nam-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang, khẳng định: Chỉ có hợp tác, liên kết thì mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường. “So với sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết sẽ giúp đầu ra sản phẩm được ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Giá sản phẩm hồ tiêu bán ra thị trường cao hơn, nông dân không phải nơm nớp lo việc tiêu thụ sản phẩm, chỉ chuyên tâm vào sản xuất theo đúng quy trình”.
Nguyễn Sang