Theo ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, đàn bò tót lai phải được nuôi sống nhằm giữ gìn nguồn gien quý, phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo
Hôm nay (5-10), Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng sẽ bàn giao 11 con bò tót lai F1 tại thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận cho Vườn Quốc gia (VQG) Phước Bình quản lý và nuôi dưỡng.
Sợ bò chết trước khi kịp phục hồi
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc VQG Phước Bình, cho biết do chưa có chuồng trại mới ở VQG nên đơn vị này chi 5-7 triệu đồng thuê ông Nguyễn Đình Tích (ngụ thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình) chăm sóc đàn bò tót lai. VQG Phước Bình cử 2 nhân viên thay nhau trực tiếp chăm sóc đàn bò cùng ông Tích; đồng thời ứng kinh phí mua cám, bột tổng hợp và cỏ xanh để bồi dưỡng cho chúng.
"Chúng tôi đang xây dựng đề án nuôi đàn bò tót lai theo mô hình bán tự nhiên trên diện tích 5-10 ha. Việc này phải chờ phê duyệt rất lâu. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo cấp kinh phí để xây dựng chuồng trại nhằm khẩn cấp di chuyển đàn bò về địa điểm mới tại vườn ươm của VQG Phước Bình" - ông Vân nói.
Đàn bò tót lai F1 được nhân viên VQG Phước Bình cho ăn thức ăn tươi Ảnh: NHƯ THỪA |
Theo ông Vân, đàn bò tót lai hiện không chỉ suy kiệt, ốm yếu mà còn bị bệnh, trong đó có con bị u bướu, sán lá gan… nên khả năng phục hồi của chúng không thể nhanh, thậm chí có con có thể chết trước khi kịp phục hồi. Vì vậy, VQG Phước Bình đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cung cấp thuốc men chữa bệnh cho bò.
Ông Vân cho biết khó khăn nhất của đơn vị hiện nay là làm sao đưa đàn bò tót lai đến nơi ở mới an toàn. Từ chỗ cũ đến chỗ mới là 6 km và qua một con sông. "Dù hiện nay, phần lớn đàn bò ốm yếu nhưng bản năng của chúng rất hung dữ, sẵn sàng húc bất cứ ai đến gần nên phải làm sao bảo đảm an toàn cho người di chuyển bò. Chúng tôi đang liên hệ với chuyên gia các sở thú nhờ hỗ trợ di chuyển đàn bò" - ông Vân lo lắng.
Bảo đảm bò khỏe mạnh khi bàn giao
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-10, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Ðồng, cho biết dự án "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Ðồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa" kết thúc vào tháng 6-2019. Từ đó đến nay, với trách nhiệm là đơn vị chủ trì dự án, trung tâm vẫn tiếp tục chi 300 triệu đồng để mua thức ăn cho đàn bò.
"Hằng tháng, chúng tôi đều cử bác sĩ thú y đến theo dõi, tiêm phòng, cung cấp 200 cuộn rơm làm thức ăn cho đàn bò tót lai và có ghi nhật ký, nên đàn bò vẫn đủ thức ăn chứ không phải thiếu đói như dư luận phản ánh. Mỗi ngày, một con bò ăn từ 30-40 kg thức ăn là bảo đảm nguồn dinh dưỡng" - ông Chương khẳng định.
Đề cập những con bò tót lai gầy trơ xương, ông Chương lý giải do vài con lớn nhảy sang chuồng bò nhỏ giành thức ăn nên một số con nhỏ không đủ ăn, dẫn đến thể chất gầy yếu. "Trong thời gian này, nếu có con bò lai F1 nào đó chết, chúng tôi là người chịu trách nhiệm. Trước khi bàn giao cho đơn vị mới, chúng tôi bảo đảm đàn bò phải khỏe mạnh" - ông Chương quả quyết. Ông bày tỏ kỳ vọng khi bàn giao đàn bò cho VQG Phước Bình nuôi dưỡng, chúng sẽ hồi phục sức khỏe và sinh trưởng tốt vì có không gian sinh hoạt thoáng đãng trong môi trường bán tự nhiên.
NHƯ THỪA - ĐÌNH THI (NLĐO)