(GLO)- Buổi sáng chủ nhật, tôi tình cờ gặp bạn cũ ngồi cà phê ở một góc công viên. Bạn chờ hai đứa con sinh hoạt nhóm ở đây. “Hôm nay tụi nó được hướng dẫn làm đèn Trung thu”-bạn cười. Theo hướng tay bạn chỉ, tôi thấy những cô cậu tầm 6 đến 14 tuổi đang chăm chú thắt thắt, buộc buộc những thanh nan, giấy bóng kính. Những chiếc đèn Trung thu 5 cánh gọi về cả một vầng tuổi thơ trong veo.
Tôi nhớ chiếc đèn Trung thu đầu tiên của tôi. Nó là chiếc lồng đèn giấy kính hình con bướm, được cô giáo tặng hồi học mầm non. Trung thu năm đó, cô tặng cho mỗi trẻ một chiếc lồng đèn để về nhà đón trăng với gia đình. Tôi cứ thắc mắc mãi sao cô tặng cho những bạn khác lồng đèn to thế, hình chiếc thuyền, con rồng sặc sỡ, có bạn còn có lồng đèn biết kêu leng keng vui tai mà cô lại tặng cho mình lồng đèn bé xíu. Hay là cô giáo không thương mình, hay là mình chưa ngoan? Đâu biết sự lớn nhỏ của những cái lồng đèn đầu tiên ấy chẳng dính dáng gì đến tình thương của cô đối với học trò. Sự thực là cô nhờ phụ huynh mua lồng đèn, mang đến cho cô. Cô phát cho các bạn chơi rước đèn trong lớp cho có không khí, rồi lồng đèn của bạn nào thì bạn đó mang về. Cô giáo chỉ nghĩ, niềm vui chung sẽ lớn hơn, ý nghĩa hơn khi mỗi đứa nhỏ khư khư chơi riêng một chiếc lồng đèn của riêng mình.
Ảnh minh họa. |
Chiếc lồng đèn con bướm của tôi nhỏ bé nhưng cũng đáng giá mấy trăm đồng, bằng nửa ngày công lượm ve chai của mẹ. Mang chiếc lồng đèn bướm về nhà thì gặp mưa. Tôi chạy không kịp nên chiếc đèn rúm ró, nhăn nheo. Trong lúc tôi buồn xo, muốn khóc thì mẹ hơ hơ đèn trên lửa, lát sau đèn căng phồng trở lại, có thể làm bạn với tôi suốt một mùa trăng. Mẹ tôi nói: “Con thấy không, mọi việc sẽ xong xuôi khi ta có cách giải quyết”. Và dạo bé, đứng trước bất cứ khó khăn gì tôi cũng không nản vì luôn nghĩ… mẹ sẽ có cách giải quyết. Đứa trẻ nào cũng coi mẹ mình là thần tượng, là siêu nhân. Lớn lên, rất hiếm khi tôi nản lòng vì tôi vẫn luôn nghĩ: “Mình sẽ có cách giải quyết”.
Mùa Trung thu, xóm tôi ở xôn xao với việc làm thêm: đan lồng đèn. Những dải phim chụp hình được nhuộm màu xanh-đỏ-hồng-trắng, được kết nối với nhau bằng những sợi dây phim màu đen, người làm phải đếm lỗ, xỏ qua rồi lợi mối đúng quy cách. Làm còng lưng mới xong 1 cái lồng đèn, được tiền công 300 đồng. Tôi hí hửng xin mẹ đi làm vì muốn phụ mẹ. Một ngày làm công, tôi xâu được 3 cái đèn, nghĩa là chưa được 1.000 đồng, tiền chỉ đủ mua 1 ổ bánh mì thịt lúc đó. Số tiền nhỏ đến mức tôi chẳng nhớ đã dùng vào việc gì nhưng đồng tiền ấy đã dạy tôi bài học lớn: kiếm tiền không dễ. Và điều ấy giúp tôi biết trân quý đồng tiền trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là những đồng tiền lẻ.
Tôi có dịp tham gia một hội nghị dành cho những người viết văn trẻ ở một huyện miền núi phía Bắc. Hàng trăm đại biểu viết văn lúc ấy bất ngờ khi tình cờ được tham gia một đêm hội rước đèn nơi đây. Ở nơi nghèo nàn ấy, đêm hội rước đèn xôm tụ, lung linh hơn bất cứ nơi nào khác chúng tôi từng được thấy. Có những lồng đèn con cá, con rồng chạy bon bon, cả chục người có thể ngồi lên được. Có ai đó thắc mắc: “Dân ở đây chịu chơi ghê”. Một người mẹ ẵm con nhỏ cười cười giải thích: “Không phải chịu chơi đâu mà là chúng tôi coi đây là đêm hội thực sự cho con nít và những người yêu con nít. Chẳng tiền nào mua được nhưng năm nào cũng làm”. Mà đúng vậy, nhìn những chiếc xe con cá, con rồng kia, có xe là công nông, ba gác, xe máy… vốn là những thứ xung quanh người nông dân khi mùa vụ nông nhàn. Rồi những khung đèn cũng chỉ là tre nứa được chặt từ góc vườn, góc rừng về cả thôi. Nếu có tốn kém chút đỉnh thì ấy là giấy màu, chẳng đáng là bao. Nếu không có lễ hội đêm nay, có khi những thứ ấy nằm im trong một góc nào đó. Nhưng những người dân tỉnh lẻ ấy, họ buộc chúng biến thành đèn con rồng, con cá sinh động dưới trăng thu. Và trên lưng những con cá, con rồng sinh động ấy, lũ trẻ đứng hãnh diện với nụ cười thật tươi. Hình ảnh ấy khiến những người đến từ thành thị như chúng tôi tròn mắt vì nể và có chút “ganh tị” với đời sống tinh thần của những đứa trẻ nơi đây.
Lâu lắm rồi không chơi lồng đèn Trung thu. Hôm nay, tình cờ gặp hàng trăm bạn nhỏ cùng hì hụi làm đèn Trung thu trong công viên lộng gió, lòng tôi lại ước ao được quay về những ngày thơ bé. Ngày mà mỗi chiếc đèn Trung thu đều chứa những ước ao, mong đợi, những hãnh diện trong thế giới tuổi thơ. Và không chỉ thế, ánh đèn mà đứa trẻ nào cũng từng lưu giữ trong ký ức, hẳn sẽ mãi là những vệt sáng lung linh thật đẹp, đi theo suốt cuộc đời này.
Khôi Nguyên Thảo