Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lưu giữ văn hóa trà Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau hơn 20 năm cất công sưu tầm, nhà khoa học Trịnh Quang Dũng đã sở hữu hơn 1.000 bộ ấm trà với nhiều niên đại, hình dáng khác nhau. Từ sở thích sưu tầm, ông bắt đầu nghiên cứu, thu thập thêm tài liệu để chấp bút viết quyển sách Văn minh trà Việt. Đầu năm 2021, ông cải tạo ngôi nhà 4 tầng thành “phủ trà” cho du khách đến tham quan, thưởng trà và tìm hiểu về văn hóa trà Việt miễn phí.

Ông Trịnh Quang Dũng bên bộ sưu tập ấm trà



Bộ sưu tập ấm trà độc nhất vô nhị

Ông Trịnh Quang Dũng từng công tác ở Viện Vật lý TPHCM, là nhà khoa học thành danh ở lĩnh vực điện năng lượng mặt trời nhưng lại có niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa. Đặc biệt, ông say mê bất tận với việc sưu tầm các ấm trà. Bất kỳ góc nào trong ngôi nhà của ông ở quận Tân Bình (TPHCM) cũng có sự hiện diện của ấm trà. Ngay tầng trệt là những bộ ấm men lam xanh trắng, chất men đặc trưng của đồ trà ký kiểu Việt Nam suốt 3 thế kỷ từ 17 đến 20 cùng nhiều ấm gốm Bát Tràng với kiểu dáng lạ lẫm, men da mượt mà, độc đáo. Lối dẫn lên cầu thang cũng được ông tận dụng làm nơi trưng bày các ấm trà cổ, ấm phục dựng có kiểu dáng đặc biệt. Nhiều chiếc ấm có kiểu dáng độc đáo và lạ mắt được ông trưng bày ở tầng 1. Trong số đó có chiếc bát Bạch định với 2 lớp men trắng thấu quang tinh khiết. Khi ánh sáng chiếu qua, những họa tiết men vẽ rồng phượng ở giữa chiếc bát hiện lên một cách lạ kỳ.

Cầm chiếc ấm trà Uyên ương trên tay, ông Trịnh Quang Dũng cho biết: “Tôi bắt đầu sưu tập ấm trà từ năm 1995. Hễ đi đâu nhìn thấy ấm trà, dụng cụ pha trà có xuất xứ, hoa văn độc đáo là tôi nài nỉ mua bằng được”. Bằng kinh nghiệm về khảo cổ, kiến thức lịch sử cùng nhãn quan mỹ thuật tinh tế, ông Trịnh Quang Dũng sưu tầm được dòng trà cụ thời Lý - Trần với họa tiết hoa sen bằng chất men ngọc, men nâu. “Tôi may mắn sưu tầm được hai chiếc ấm Lạc đà, phiên bản phục dựng của chiếc ấm đồng, đào được ở di chỉ Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội từ thế kỷ 2 sau Công nguyên”, ông Dũng chia sẻ. Ấn tượng trong bộ sưu tập của ông Dũng là chiếc ấm Phượng được tạc từ khối ngọc non của vùng non nước Ninh Bình. Các nghệ nhân tài hoa chạm lộng nên chiếc ấm này theo nguyên mẫu ở Bảo tàng Cố Cung, Đài Bắc, Đài Loan.

Không gian tầng 2 là thủ phủ của các ấm trà từ hàng trăm quốc gia mà ông Dũng có dịp ghé thăm. Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, vợ ông Dũng, cho biết: “Mỗi khi đi du lịch nước ngoài, anh Dũng không thích đến những khu vui chơi, danh thắng mà dành phần lớn thời gian tìm mua ấm trà. Anh sưu tầm được bộ ấm trà Gấu trúc mang đậm bản sắc Trung Hoa, bộ ấm Chim hạc đầy chất văn hóa xứ Hàn, chổi, bát chuyên dụng pha trà matcha của Nhật Bản…”. Chiếm số lượng nhiều nhất trong bộ sưu tập của ông Dũng là ấm Tử Sa. Loại ấm này có nguồn gốc từ vùng Dương Tiễn, Nghi Hưng, Tây Hồ, Trung Quốc. Ấm Tử Sa được làm từ đất sét phong hóa lâu năm cứng như đá, gõ kêu đanh như sắt thép. Hiện ông có hàng chục mẫu ấm Tử Sa gắn với tên tuổi của các nghệ nhân và đại sư ở Trung Quốc. Ông Dũng chia sẻ: “Mỗi chiếc ấm mà tôi sưu tầm được là một mỹ nhân duyên dáng yêu kiều. Đã là “người đẹp” thì phải được trân trọng, nâng niu”.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Dù đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng bước chân của ông Trịnh Quang Dũng vẫn rong ruổi khắp nơi để tìm hiểu, sưu tầm thêm các loại ấm trà quý hiếm. Với nhà khoa học này, niềm đam mê sưu tầm ấm trà cổ dường như đã trở thành duyên - nghiệp.

Điều đáng trân quý là bỏ công nghiên cứu, sưu tầm, nhưng ông không cất giữ cho riêng mình. Ông sẵn sàng mở cửa chào đón những ai muốn đến đây tham quan, tìm hiểu. Khi có khách đến, ông say sưa thuyết trình về nguồn gốc của các ấm trà, sau đó mời họ ngồi vào bàn thưởng thức trà thơm được ướp từ hoa sen trồng trên sân thượng. Thưởng trà từ những chiếc ấm cổ phải nói chuyện về trà Việt, về ấm trà Việt mới cảm nhận hết cái vị ngon của trà. Cái thú thưởng trà cũng lắm công phu, ông chia sẻ: “Nếu uống một mình thì tôi sử dụng bình độc ẩm, hai người thì song ẩm và ba người trở lên thì quần ẩm. Đợi qua đợt dịch Covid-19 này, tôi sẽ kết hợp với các trường đại học, các công ty du lịch, hãng lữ hành để họ đưa sinh viên học ngành văn hóa hay du khách đến đây tham quan miễn phí”.

Qua sự giới thiệu của bạn bè, được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập ấm trà có 1 không 2 của ông Trịnh Quang Dũng, anh Đinh Vĩnh Cường ở quận Tân Bình, TPHCM vô cùng thích thú. “Chú Dũng là người am hiểu nguồn gốc, văn hóa uống trà của người Việt. Khi dịch bệnh được khống chế, tôi sẽ rủ thêm nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến tham quan, ẩm trà cùng chú”, anh Cường chia sẻ.

Với ông Trịnh Quang Dũng, bộ sưu tập ấm trà là tài sản vô giá. Có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại, nhưng ông nhất quyết không bán. Ông chăm chút, gìn giữ chúng cẩn thận để truyền lại cho thế hệ sau, với mong muốn góp phần lưu giữ phong tục và văn hóa thưởng trà từ xa xưa của ông cha ta.

Không chỉ là tác giả của quyển sách Văn minh trà Việt, ông Trịnh Quang Dũng còn dành cả chục năm để sưu tầm, khảo cứu về phở - món ăn độc đáo của người Việt. Tháng 12-2020, ông cho ra đời quyển sách thứ 2 Trăm năm phở Việt (Phở Việt du hành xuyên thế kỷ). Sau “ẩm” đến “thực”, ông viết 2 quyển sách này với mong muốn chinh phục tấm thịnh tình của thế giới dành cho Việt Nam qua con đường ẩm thực.


Theo MINH TOÀN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm