Mang thai hộ là phương án cuối giúp vợ chồng hiếm muộn có con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng đối với các trường hợp cặp vợ chồng hiếm muộn, không thể có con, quan điểm của ngành y tế là phải cố gắng hết sức, chỉ khi nào không thể nào chữa trị giúp có con ngay trên chính cơ thể người mẹ thì mới nghĩ đến phương án mang thai hộ.

Ông Nguyễn Viết Tiến đưa ra ý kiến trên tại một hội thảo diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh với sự góp mặt của một số cơ sở khám-chữa bệnh góp ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

 

 

Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ được Bộ Y tế trình Chính phủ trong kỳ họp vào cuối tháng 10 tới.

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 25 điều, quy định điều kiện cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi; điều kiện cho phép cơ sở được thực hiện các kỹ thuật nói trên; quy định về việc lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi. Nghị định mới này sẽ thay thế Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12-2-2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học để phù hợp hơn với điều kiện, tình hình mới hiện nay.

 

Vấn đề thu hút nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội thảo lần này là quy định cơ sở y tế nào được thực hiện việc mang thai hộ. Ban soạn thảo Nghị định đưa ra hai phương án. Một là chỉ quy định cho ba bệnh viện lớn của cả nước thực hiện (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó có thể mở rộng ra một số nơi khác; phương án thứ hai là cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ được thực hiện ở các cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Một số ý kiến của các bệnh viện cho rằng, nếu chỉ cho phép ba bệnh viện trên thực hiện thì sẽ gây khó khăn cho người bệnh vì phải tốn kém khi di chuyển đến nơi điều trị. Do đó, chỉ nên để cho ba nơi này thực hiện việc quản lý mang thai hộ, còn kỹ thuật thực hiện thì để cho những cơ sở y tế khác tham gia, vì đây không phải là kỹ thuật quá khó khăn.

Trả lời các ý kiến liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, do đây là lần đầu tiên vấn đề mang thai hộ được đưa vào văn bản luật nên việc giới hạn cho ba bệnh viện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ một mặt giúp ngành y tế quản lý tốt vấn đề này cũng như tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng.

Tại hội thảo, một số ý kiến băn khoăn về một số quy định mới như việc không giới hạn độ tuổi tối đa của người nhận tinh trùng, noãn, phôi; quy định hủy hoặc hiến tặng phôi dư cho khoa học sau khi sinh con thành công; việc xử lý tinh trùng, noãn, phôi như thế nào nếu trường hợp vợ chồng ly hôn hoặc một trong hai người mất đi; thực hiện việc cho và nhận tinh trùng đối với các trường hợp cặp vợ chồng bị nhiễm HIV mong muốn có con; vấn đề bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo…

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm