Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mang Yang: Cheo leo cầu treo dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cầu treo dân sinh tại làng Chơ Rơng 2, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đong đưa theo từng bước chân người qua lại và một cơn gió mạnh cũng làm cầu rung lắc dữ dội. Tuy nhiên, hàng ngày người dân vẫn phải qua lại nhiều lượt trên chính chiếc cầu này để vào khu sản xuất.
Cầu treo dân sinh làng Chơ Rơng 2 phục vụ nhu cầu đi lại cho hơn 100 hộ dân thuộc 3 làng Đak Ve, Chơ Rơng 1 và Chơ Rơng 2, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang. Dù biết nguy hiểm nhưng hàng ngày người dân vẫn phải đi trên chiếc cầu này để qua khu sản xuất rộng khoảng 300 ha. Theo ghi nhận của P.V, cầu treo làng Chơ Rơng 2 bắc qua một đoạn của sông Ayun, dài khoảng 40m, rộng 1,5m. Phần mặt cầu được lót bằng ván gỗ mỏng ghép lại, thành cầu được đan bằng các thanh gỗ, tre nứa và quây bằng dây thép gai, nhiều vị trí thành cầu đã mục gãy. Điều đáng nói, dây cáp cầu treo được cố định vào những thân cây 2 bên bờ sông rất nguy hiểm, dưới lòng sông rất nhiều tảng đá lớn nhỏ ngụp lặn theo dòng nước.
Mùa thu hoạch cà phê, anh Gíp phải qua lại trên cầu treo dân sinh 20 lần/ ngày. Ảnh: Chí Hào
Mùa thu hoạch cà phê, anh Gíp phải qua lại trên cầu treo dân sinh 20 lần/ ngày. Ảnh: Chí Hào
Ông Gíp (SN 1982, làng Chơ Rơng 2, xã Đak Ta Ley) cho biết: Từ khi sinh ra đã thấy cây cầu. Gia đình có 2 ha cà phê, bời lời bên kia con suối tại làng Chơng Rơng 2 nên hàng ngày phải qua lại đây ít nhất 2 lần. Vào vụ thu hoạch phải qua lại hơn 20 lần để vận chuyển nông sản từ rẫy qua cầu treo, sau đó thương lái mới đến mua. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người, trâu bò qua lại trên cây cầu treo này. Những trận mưa lớn, người dân không dám qua lại cầu vì sợ nước cuốn trôi. “Nhiều lần người dân, gia súc rớt xuống cầu nhưng rất may chỉ bị thương nhẹ. Người dân các làng tự góp kinh phí và ngày công để làm lại cầu, năm nào cũng phải làm lại do nước lũ cuốn trôi, mỗi lần làm lại cầu hết khoảng 5 triệu đồng”-ông Gíp nói.
Mặt cầu được lót bằng ván gỗ mỏng ghép lại, thành cầu được đan bằng các thanh gỗ, tre nứa và quây bằng dây thép gai, nhiều vị trí thành cầu đã mục gãy. Ảnh: Chí Hào
Mặt cầu được lót bằng ván gỗ mỏng ghép lại, thành cầu được đan bằng các thanh gỗ, tre nứa và quây bằng dây thép gai, nhiều vị trí thành cầu đã mục gãy. Ảnh: Chí Hào
Trao đổi với P.V, một cán bộ UBND xã Đak Ta Ley cho biết: Đây là cầu dân sinh do nhân dân tự xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất. Hằng năm vào mùa mưa lũ, địa phương đều thành lập các tổ trực, cảnh báo nguy hiểm và không cho người dân qua lại khi nước chảy xiết. Dù biết là nguy hiểm nhưng đây là đường dẫn vào khu sản xuất của người dân và cũng chưa có kinh phí đầu tư xây dựng cầu mới nên hàng ngày người dân vẫn phải qua đây. Địa phương đã kiến nghị xây dựng cầu mới để nhân dân đi lại được an toàn hơn, mong rằng trong thời gian tới được cấp trên quan tâm, cấp kinh phí đầu tư xây dựng.
                                                                                      Chí Hào

Có thể bạn quan tâm