Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mẹ chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một chiều đông ẩm ướt, hai vợ chồng tôi vừa về nhà sau khi ăn trưa với gia đình chồng ở làng Trôi, cách Hà Nội 20 cây số thì bất chợt nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nhìn thoáng màn hình, tôi ngạc nhiên khi thấy là số điện thoại của mẹ chồng nên không khỏi lo âu không biết có chuyện gì, vì mới gặp nhau tức thì, hay là mình bỏ quên thứ gì? 
Nhớ lại, bữa trưa ở làng cũng đủ món như ở thành phố, từ nem, chân giò nấu măng và cả một dĩa thịt chó hấp, như giới thiệu là đặc sản làng mà tôi vốn sợ phát khiếp. Với chai rượu quê đưa cay, mọi bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi và chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

Tôi có cảm giác mẹ chồng khá là vui vẻ, pha trò cả về con virus Corona đang là nỗi sợ vô hình ở cái làng vốn chỉ sợ thiếu tiền. Và thế là quá đủ với tôi, khi mới tổ chức đám cưới được nửa tháng, còn chưa hiểu hết đường ngang ngõ tắt bên gia đình chồng.

 
Chồng tôi là con một, làm nghề lắp đặt máy lạnh và các thiết bị điện gia dụng; còn tôi mới tốt nghiệp trường y dược, chuyên ngành bác sĩ nha khoa, mới trầy trật xin được việc làm ở bệnh viện quận xa trung tâm. Lương của một bác sĩ mới ra trường như đã biết - là “muỗi”, quá bèo bọt so với chi tiêu ở một thành phố nổi tiếng đắt đỏ như Hà Nội, nhưng tôi thấy hài lòng với cuộc sống. 
Chúng tôi mua trả góp một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ ở tuốt tầng 33 của khu Linh Đàm, có thể ngắm những đám mây trắng trên cao, khá là lãng mạn với một cặp vợ chồng son. Dĩ nhiên, chồng tôi kiếm tiền là chính, tôi thì như bông hoa cắm bình cho có chút thoang thoảng mùi thơm, thu nhập chỉ đủ một tháng đôi ba lần đi ăn sushi ở quán Paris-Deli.
Mà tôi cũng tằn tiện, lương 30 triệu đồng của chồng phần dành trả nợ gốc lẫn lãi ngân hàng, phần để ma chay, đám cưới, hiếu hỉ… Quần áo cho cả hai chỉ mua loại hàng xuất khẩu lỗi, giá cao nhất cũng chỉ tầm 200.000 đồng.
Trở lại câu chuyện chuông điện thoại như đã nói ở trên. Phải khi chuông đổ lần 2, tôi mới áp tai nghe máy. Chưa kịp chào hỏi gì, tôi đã nghe tiếng mẹ chồng nói như máy khâu: “Phương à (tôi tên Phượng), ối giời ơi, giời ạ, thằng con tôi và con vợ nó mới ở đây về. Để tao kể cho mày nghe cái gọi là nàng dâu thời 4.0…”.
Tôi sững người, cố hiểu là mẹ chồng chắc quá chén nên nhầm số điện thoại, thay vì cô bạn thân tên Phương lại gọi cho con dâu tên Phượng, là tôi, chỉ khác cái dấu nặng ghi trong danh bạ điện thoại.
Tôi chớm trào nước mắt nhớ lại lời khuyên của con Bích Quyên (con bạn thân thiết học văn ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn): Mày nhớ có lấy chồng thì tránh quê A, B, C, tránh mẹ chồng X,Y, Z…
Nó còn kể, mẹ con Thu Hà mua nhà cho vợ chồng nó mà để chồng nó đứng tên, để bây giờ nó muốn ly dị chồng mà không thể vì còn… vướng cái sổ hồng.
Con Quyên dặn kỹ, rút kinh nghiệm mày phải đứng tên tuốt, cứ cái gì đi được, bay được thì mày sở hữu. Tôi chỉ cười trừ, gớm mày lo xa quá… và tôi lại trở về với cuộc điện thoại mà tôi không thể không nghe vì hiếu kỳ.
Mẹ chồng: “Mày có nghe tao không Phương. Giời ạ, 2 vợ chồng nó sống nhờ tiền của thằng con trai tao. Nó cũng có đi làm, nhưng tiền ba cọc ba đồng, không đủ mua cái góc váy hiệu Dior. Tao không hiểu nó đâm đầu vào trường đại học làm gì? Cả đời nó sống nhờ cha mẹ, con gái phố cổ đài các mà… Chán nẫu. À này Phương ơi, may là chúng nó chưa có con cái gì. Con bé cũng cao ráo, trắng trẻo nhưng hông hẹp, không biết có đẻ đái gì được không? Thôi, càng nói càng chán, không biết con tao sống ra sao với con vợ không tiền bạc gì. Phương à, con bé tính tình cũng được, có vẻ hiền lành, nhưng lao vào đại học để làm gì cơ chứ. Giá mà nó sống ở quê thì chúng tao có lẽ đã hiểu nhau mày ạ. À mà tao đang nói chuyện gì ấy nhỉ?”.
Tôi nghe đoạn độc thoại kéo dài của mẹ chồng, rồi tắt máy. Tôi không thể nghe tiếp được hơn nữa. Ban đầu có cảm giác bực bội, khó chịu, nhưng sau đó cũng khoát tay, thôi kệ đời, nghĩ nhiều chỉ tổ… chóng già, chồng chê. Tôi cũng không nói gì với chồng, tuy cả đêm cứ ấm ức nghĩ về những lời cay nghiệt của mẹ chồng.
Sáng hôm sau, tôi vội gọi cho chị gái. Chị tôi hơn tôi 10 tuổi, có 2 đứa con, và nói như người đời hay nói, là người từng trải, lọc lõi trong cuộc sống lứa đôi, chị cười phá nói: Em à, đừng buồn bã, đời là vậy. Hãy làm ra vẻ không nghe, không thấy, không hiểu. Chỉ khi em có con thì em mới thấy chúng là những gì tốt đẹp nhất với cha mẹ, không ai tốt hơn con mình. Thế nhé em, rồi mọi chuyện sẽ qua đi”.
Theo lời khuyên của chị, tôi cũng ráng bỏ qua, quên đi từng có câu chuyện như vậy với mẹ chồng. Giờ đây, tôi đang chờ sinh đứa con đầu lòng và mới bắt đầu hiểu ra mẹ chồng: Bà không phải là người độc ác, vì với bà, con trai mình là tốt nhất, là số 1. Con trai tôi chắc cũng vậy - là nhất của nhất! 
Theo THU NGÂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm