Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Miền cảm xúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có với văn chương một mối duyên. Vui buồn ở đó mà hạnh phúc hay khổ đau cũng nằm ở đó. Trước những nỗi niềm, có người nói ra, viết ra hoặc im lặng. Tôi chọn cách viết ra như một lời bộc bạch với mọi người, cũng là để hiểu chính bản thân hơn.
1. Từ lâu, tôi đã dành cho văn chương sự cảm mến đặc biệt. Đó là cuộc hạnh ngộ mà chính tôi cũng không thể nào đoán biết hay sắp đặt trước. Bắt đầu từ những bài thơ thời áo trắng ngô nghê, rồi cứ thế, tôi giữ nhịp thơ ấy trong người cho đến tận bây giờ. Nhịp thơ, nhịp văn âu cũng là nhịp sống, dù ngắn ngủi hay dài lâu. Tôi bước vào đời sống văn chương như một người bắt đầu chuyến phiêu lưu vào cuộc đời mà có lẽ đích đến cuối cùng là số phận. Tôi thấy mình cần viết như lữ khách thì phải đi, không thể nào khác được. Và nếu coi văn chương là một cuộc đi thì mình sẵn lòng rong ruổi với nó; lúc đi nhanh, lúc đi chậm, nếu cảm thấy thiếu hụt năng lượng thì tạm dừng chân nghỉ mệt nhưng chắc chắn không bao giờ bỏ cuộc.
Đôi khi vì hoàn cảnh, chúng ta có thể dễ dàng từ bỏ một nghề mưu sinh, nhưng đã là nghiệp thì không. Tôi có với văn chương một mối duyên. Vui buồn ở đó mà hạnh phúc hay khổ đau cũng nằm ở đó. Trước những nỗi niềm, có người nói ra, viết ra hoặc im lặng. Tôi chọn cách viết ra như một lời bộc bạch với mọi người, cũng là để hiểu chính bản thân hơn. Sẽ còn phải nghiêm túc học hỏi và tích lũy rất nhiều điều nếu muốn gắn bó lâu dài với văn chương nhưng tôi hy vọng bằng những nỗ lực tự thân sẽ góp thêm một tiếng nói dù nhỏ bé trên hành trình khơi gợi cái đẹp, cái nhân văn của cuộc sống hoặc chí ít cũng mang đến cho mọi người một vài cảm xúc tích cực.
Nhiều người vẫn suy tư về vai trò, tác động của văn chương đối với cuộc đời. Tôi nghĩ văn chương là những gì đẹp và sáng. Vậy tức là không thể thiếu trong đời sống con người. Có lẽ, với mỗi người viết, văn chương là một nguồn cảm hứng, một niềm vui sống dù có thể chúng tôi chỉ sáng tác được trong những lúc đau khổ nhất, buồn bã nhất. Văn chương xoa dịu nỗi đau một cách kỳ lạ, giúp con người biết hướng thiện và sống chân tình hơn. Tôi tin rằng “bao giờ cũng có một cái gì đó để ta vin vào”. Nhờ có văn chương làm điểm tựa tinh thần mà cuộc sống trở nên dịu dàng hơn, tâm hồn con người bỗng nhiên thiết tha hơn. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có câu hát: “Muốn một lần tạ ơn với đời/Chút mặn nồng cho tôi”. Có thể văn chương cũng vậy chăng! Đến, để cho chúng ta một chút mặn nồng…
2. Tôi không nhớ đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần bức thư của nhà thơ Lưu Quang Vũ gửi cho người vợ thương yêu của mình là nữ sĩ Xuân Quỳnh, trong đó có đoạn: “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi biết mình vẫn chưa viết được điều gì có thể khiến bản thân cảm thấy tự hào, vốn liếng chỉ có đôi ba vần thơ, một vài tản bút, đủ để vui buồn với cuộc đời riêng chung. Ai, ở đâu, làm công việc gì cũng đều mong muốn được khẳng định mình. Nhưng khẳng định như thế nào, bằng cách nào là một sự lựa chọn. Tôi thích được kể những câu chuyện nhỏ của mình một cách nhẹ nhàng. Dù chỉ vài người lắng nghe, tôi đã lấy làm vui lắm.
Mỗi người trong đời đều có một vết xước. Vết xước trên thịt da dễ lành nhưng vết xước trong tâm hồn thì khó chữa. Tôi viết, trước tiên là để xoa dịu trái tim mình trước những va chạm, vụn vỡ không tài nào tránh khỏi khi sống giữa cuộc đời. Tôi viết cho những chơ vơ, trống trải đến lạ lùng trong những đêm ngoại ô lặng gió. Văn chương lúc ấy như một niềm an ủi. Khi cầm bút định viết một điều gì đó, trong tôi cũng đồng thời khởi lên ý niệm về cái đẹp, cái hay của cuộc sống đa sắc màu. Nhờ đó mà bớt đi những ích kỷ, xấu xa; chỉ muốn thêm phần thấu hiểu, cảm thông và tha thứ. Tôi viết văn như dang rộng vòng tay ôm lấy chính mình là vậy!
Với tôi, Gia Lai là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Tôi gọi đó là quê hương dù không phải quê cha đất tổ. Ở nơi này, tôi có thật nhiều tình thương mến. Mà cái tình thì trả bao giờ cho hết! Tôi chỉ biết dùng những trang viết của mình để tri ân đất và người Gia Lai. Giữa một vùng có hồ xanh núi biếc, năm tháng đi qua, người già khuất núi, người trẻ lại lớn lên như măng nứt ra từ kẽ đá, tất cả như những mảnh ghép không thể nào thiếu vắng. Còn tôi thì hệt như chiếc đồng hồ quả lắc, cứ đi về giữa xao động và trầm tư. Có phải nhà văn Márai Sándor từng nói: “Nhà văn hồi tưởng và thức tỉnh. Đong đo thời gian và thế gian. Lắp ráp những mảnh ký ức. Đó là công việc của nhà văn”. Những ngày sắp đến, tôi chỉ ước trái tim còn đủ rung động, các giác quan còn đủ nhạy cảm để chạm vào đời sống này, để tiếp tục viết nên một tác phẩm mà người khác có thể đón nhận, một tác phẩm đậm đầy hơi thở cuộc sống. Tôi sẽ tiếp tục viết như một người bình thường yêu văn chương, viết bằng cảm xúc và lòng tự trọng của chính mình, chừng nào sức khỏe và tâm trí còn cho phép.
LỮ HỒNG
 

Có thể bạn quan tâm