(GLO)- Nuôi gà thả vườn, hay còn gọi là nuôi gà sinh học là một hình thức chăn nuôi bán Công nghiệp. Cách nuôi này có nhiều ưu thế: thời gian, công và vốn đầu tư đều không quá sức đối với người chăn nuôi, chất lượng thịt gà ngon, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.Thị xã Ayunpa hiện nay có trên dưới 30 hộ nuôi gà thả vườn, hộ nhiều nhất gần 3000 con, hộ ít nhất cũng 100 con..
Khu vườn của ông Vũ văn Liên, phường Sông Bờ, Thị xã Ayunpa có diện tích gần 1 ha, mặt trước ông trồng chuối và cây ăn trái , phía sau nhà khoảng 500 m2 ông dựng chuồng trại nuôi gà, bầy gà của ông hiện tại 2400 con, đây là năm thứ ba kể từ khi ông bắt đầu nuôi gà. Những năm trước đây, ngoài việc trồng rau và chăm sóc vườn tược, ông còn kết hợp chăn nuôi heo, bầy heo nhà ông lúc nào cũng có trên dưới 20 con. Sau trận lũ, lụt vào cuối năm 2009 đã cuốn đi chuồng, trại và bầy heo, đẩy gia đình ông vào cảnh khó khăn, mọi thứ đều phải làm lại từ đầu. Không nản chí, ông suy nghĩ: Bắt đầu làm lại thì phải làm cái gì có hiệu quả hơn, nuôi heo cũng có lãi nhưng đầu ra không mạnh, cần phải nuôi con gì vừa dễ đầu tư, lại dễ chăm sóc và phù hợp với điều kiện vườn nhà. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua kinh nghiệm của những người đã làm trước, ông quyết định nuôi gà thả vườn, hay còn gọi là gà sinh học.
Bắt tay vào nuôi Gà, ông đã phải chịu khó học tập kinh nghiệm của những người đi trước, từ khâu chọn con giống, đến cách bố trí chuồng trại hợp lý, khâu chăm sóc, cho ăn, sưởi ấm theo từng lứa tuổi. Để có giống gà phù hợp với cách nuôi này, ông cùng những người bạn phải đi đến tận Trung tâm giống vật nuôi Bình Định, chọn đúng giống gà thả vườn để mang về. Gọi là gà thả vườn, vì giống gà này sau khi ăn no thì được thả ra khoảng vườn đã được chăng lưới để chúng vận động. Chuồng gà được rải phân vi sinh trộn lẫn với mùn cưa hoặc vỏ trấu, loại phân này có tác dụng tiêu hủy phân gà, không gây mùi hôi thối, đồng thời diệt được các sinh vật gây hại cho gà. Thức ăn cho gà là cám gia cầm và các loại rau có trong vườn. Trung bình thời gian phát triển của gà là 100 ngày, tuy nhiên phải chăm sóc, cho chúng ăn theo từng đợt tuổi, đồng thời phải dựa trên điều kiện thời tiết để giữ ấm cho chúng. Ông Liên cho biết: Nuôi gà khác với các loại chăn nuôi khác, nó vừa dễ lại vừa khó, khó ở cái chổ phải theo nó suốt cả quá trình nuôi chứ không phải như các loại vật khác, đây là giống vật rất nhạy cảm, nhạy cảm với thức ăn, thời tiết và cả thuốc phòng bệnh…
Nuôi Gà thả vườn đòi hỏi người nuôi phải chịu khó,tỷ mỉ trong khâu chăm sóc, nên nếu ai chịu khó, biết tìm tòi tự tìm ra giải pháp nuôi thích ứng tùy theo điều kiện chăn nuôi của gia đình mình thì mới mang lại hiệu quả. Đã có một số hộ gia đình cũng đã tiến hành nuôi thử vài trăm con nhưng đều thất bại, chỉ mới qua một tháng đầu nuôi thử chúng đã lăn ra chết. Nguyên nhân bởi người chăn nuôi chưa tìm ra giải pháp thích ứng để chăm sóc chúng cho phù hợp.
Hiện nay trên địa bàn Thị xã Ayunpa có khoảng trên dưới 30 hộ nuôi Gà thả vườn, hộ nhiều nhất gần 3000 con và hộ it nhất cũng 100 con. Nếu đảm bảo điều kiện chăn nuôi hiệu quả thì trung bình mỗi lứa gà khoảng 1000 con, qua hơn 3 tháng chăn nuôi sẽ cho lãi suất trên 30 triệu đồng. Hiện tại lượng tiêu thụ trên địa bàn Thị xã cũng cân đối so với số lượng gà nuôi. Tuy nhiên để phát triển mô hình này một cách bền vững, hiệu quả thì điều trước tiên người chăn nuôi phải tự đảm bảo yêu cầu chăn nuôi của mình, đồng thời phải linh động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Một ưu điểm để mở rộng thị trường là giống gà này có trọng lượng trên dưới 1,5kg, thịt của chúng lại thơm ngon và dai như gà ta, nên rất thích hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thể nói rằng nuôi gà thả vườn là một bước đi mới trong việc chuyển đổi giống vật nuôi ở Thị xã Ayunpa. Tuy hiệu quả mang lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, song qua 3 năm được nuôi thử nghiệm ở một số hộ gia đình đã cho thấy đây là bước đi đúng, mạnh dạn, sáng tạo của bà con. Tin tưởng rằng trong tương lai, con giống này sẽ góp phần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Bích Vân