Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mong con về ăn Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một năm sắp khép lại, Tết Nguyên đán đã cận kề. Trong rất nhiều niềm hy vọng về những điều tốt đẹp sắp đến ấy, cha mẹ luôn có sự mong mỏi dành cho con cái, nhất là các thành viên xa nhà.
Thực sự mà nói thì ngày nay, công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý. Con cái, cha mẹ và những người thân trong gia đình đều có thể gặp nhau hàng giờ, hàng ngày thông qua sự kết nối của internet. Tuy thế, dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đôi bên vẫn có cảm giác nôn nao mong ngày gặp mặt, nhất là các bậc cha mẹ.
Có thể cuộc sum vầy sẽ khởi đi bằng một tiệc ẩm thực đông vui, bao gồm cả những người thân thích, hàng xóm trong một căn nhà đầm ấm có hoa tươi và nhiều bánh trái. Nhưng cũng có thể, nó chỉ là một bữa ăn bình dân có thêm đôi ba miếng thịt trong một căn nhà nhuốm màu thời gian hay một phòng trọ đơn sơ ngày cuối năm.
Muôn hình vạn trạng hay đúng hơn như ông bà ta thường nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Cảnh là hoàn cảnh, là điều kiện, sự đạt hay chưa được như ý của mỗi cá nhân, gia đình, sau 12 tháng làm lụng, xa cách.
Có những người cha, người mẹ tuổi đã xế chiều, cuối năm nào cũng ra ngõ ngóng con. Vì, qua điện thoại nó nói tăng ca nhiều nên không về, nhưng biết đâu nó lại về thì sao? Có những ông bố bà mẹ chỉ mong những đứa con là học sinh, sinh viên của mình trở về để nấu cho chúng nó vài bữa ăn nóng sốt, chứ quanh năm cơm bụi rồi...
Và, sự chờ đợi luôn đến từ hai phía, cả cha mẹ và con cái đều ngóng trông ngày tái ngộ. Thu xếp công việc, sửa sang nhà cửa, mua sắm vật chất… mỗi bên đều nỗ lực để có thể gặp nhau thật vui trong mấy ngày Tết. 
Minh họa: Huyền Trang
Tôi có người bạn tuổi ngoài 30, quê ở miền Bắc, là công chức nhà nước. Bạn ấy bảo: “Anh ạ, lương chả bao nhiêu, thuê nhà, ăn uống tằn tiện đôi khi vẫn còn hụt nhưng Tết năm nào em cũng về. Không về, nhớ nhà không chịu được! Về áp Tết, đi ngay sau Tết, chen chúc trên xe đò cực lắm, nhưng nghĩ mình giờ còn tự do thì chịu khó về thăm các cụ, chứ sau này chẳng biết thế nào nữa.
Năm ngoái, hai bố con ngồi canh nồi bánh chưng, ông bảo: Giờ con về, bố mẹ còn nấu cho mà ăn. Mai kia bố mẹ già lẫn thì thôi… Mình có lớn lên bao nhiêu, có đi xa bao nhiêu thì trong mắt các cụ vẫn là nhỏ nhoi, Tết đến vẫn cần được bảo bọc, lo cho từ cái ăn trở đi”.
Đại dịch Covid-19 là một dấu ấn không vui của Tết năm nay. Nhiều gia đình có con đi học, đi làm ngoài nước ít có cơ hội được đoàn tụ. Tâm trạng của các bậc cha mẹ này không gì khác hơn là mong con cái mình được an toàn, ổn định học hành và công việc. Năm sau, nếu không có gì thay đổi, sẽ là một cái Tết bù, đông vui và nhiều ý nghĩa hơn.
Xét cho cùng, dẫu cuộc sống có hiện đại đến thế nào đi chăng nữa, Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam vẫn là dịp để các thế hệ cùng nhau sum họp dưới một mái nhà. Gia Lai cũng không đứng ngoài quy luật ấy. Lớp lớp mẹ cha và con cái là công dân của miền đất này, mỗi khi gió chuyển mùa, lại nôn nao chờ đợi để được gặp nhau rồi và bịn rịn tiễn đưa, khi những Tết vừa khép lại.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm