(GLO)- Tết đang đến gần, đây cũng là lúc người dân vào rừng săn lùng cây cảnh, mai rừng về “chơi” Xuân. Tình trạng đào bới gốc cây quý như bằng lăng, bồ đề, lộc vừng, sung, sanh... để chơi Tết cũng đang gia tăng. Thú vui chơi cây cảnh này là hình thức phá rừng cần được ngăn chặn.
Ảnh: C.T.V |
Trong dịp Tết, người dân từ miền Trung đến Nam bộ thường chơi mai chứ không chơi đào như Bắc bộ. Nhiều người không ngại đường sá xa xôi, đổ về các cánh rừng để tự “săn” những cành mai rừng ưng ý.
Không có dịp vào tận rừng để chứng kiến cảnh “săn” những cành mai như thế nào nhưng qua lời kể của anh Trần Công Toàn-người săn mai lâu năm thì: “Gần tới Tết Nguyên đán, phong trào tìm mai rừng càng nở rộ đã phần nào làm giảm số lượng mai trên núi. Nhiều người “săn” đến nỗi mai rừng phát triển không kịp, giá bán ngày một cao nhưng đôi khi lùng tìm cả tháng trời vẫn không có. Những năm trước, mai rừng còn nhiều, nay số lượng mai rừng ít đi, thợ “săn” mai phải vào tận rừng sâu mới có cơ may tìm thấy; số người đi “săn” cũng nhiều hơn trước nên mai rừng ngày càng khó kiếm hơn, lặn lội vào tận các vùng rừng sâu. Khi chặt được những cành mai ưng ý, việc luồn rừng mang mai trở ra mà không làm rụng hoa, lá còn gian nan hơn nhiều”.
Khi tìm được mai ngoài “khoanh vùng” canh giữ, thì công đoạn chăm sóc và tuốt lá cho kịp thời vụ được coi là khâu then chốt quyết định thành bại. Kinh nghiệm tuốt lá rất quan trọng bởi mai rừng không giống mai nhà. Rồi còn phải chọn thời điểm và kỹ thuật chặt mai sao không sớm quá và gốc không bị trầy trụa, mất nhựa, gốc nếu bị thối coi như bỏ đi. Việc chơi mai rừng công phu hơn mai chậu của nhà vườn. Sau khi săn được cành mai ưng ý đưa về nhà, người thợ phải biết chọn đúng thời điểm tuốt lá, đốt gốc, ngâm vào chậu nước để nuôi cành. Thời gian để lá non và nụ mai bung nở là 15 ngày. Ai cũng thích hoa nở rộ đúng vào dịp Tết, nên thường cánh thợ đi săn mai vào giữa tháng Chạp là hợp lý nhất.
Có một thực tế là khi kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống của đại đa số người dân ngày một nâng cao, thì thưởng thức cuộc sống, nhu cầu chơi hoa, chơi cây cảnh nói chung, mai rừng nói riêng như một lẽ tự nhiên. Có điều khi đã trở thành hàng hóa thì những thợ “săn” mai cứ hàng năm tiến thẳng vào rừng và mặc sức tàn phá. Trước đây, ở một số cánh rừng thuộc địa phận thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ… mọc nhiều mai rừng. Nhưng bây giờ tìm được một cành mai nhỏ ở đây cũng hơi khó vì sự tàn phá của con người. Những cây mai to thì bị cưa cành, cây nhỏ thì chặt ngang mặt đất và nguy hiểm hơn là đám thợ này không ngần ngại đào luôn cả gốc đem về ghép thành những gốc mai cổ thụ bán cả trăm triệu đồng một gốc. Do đó, mai rừng đã bị tàn phá nhiều quá và ngày càng lâm vào thế suy kiệt vì không đủ sức tái sinh.
Nếu như chính quyền các cấp không có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời thì một thời gian ngắn nữa mai rừng sẽ kham hiếm khó tìm được dù chỉ là một cành mai rừng nhỏ để mà ngắm cho thỏa thích sắc đẹp trời phú của những cánh mai rừng đẹp và hoang sơ.
Anh Khoa