Mo So nằm trong sơn hệ Hòn Chông; địa danh thuộc ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), cách Hà Tiên 27km về phía Tây Nam. Theo tiếng đồng bào Khmer, Mo So có nghĩa là Đá Trắng. Dãy núi Mo So có hang động ăn luồng nhau với nhiều ngõ ngách, vách là đá vôi dựng đứng, sừng sững, cheo leo.
Các cửa hang rộng rãi, đa dạng, dẫn lối thông nhau thăm thẳm, bên trong hang khi to khi nhỏ, có rất nhiều thạch nhũ, hình thù kỳ lạ… tạo cho nơi đây một sự kỳ vỹ, huyền bí. Đến đây, chúng tôi được nghe kể một Mo So từng là hậu cứ cách mạng trong kháng chiến, ghi dấu bao chiến công anh hùng.
Nhìn toàn cảnh từ trên xuống, Mo So ẩn hiện giữa một vùng núi non hùng vỹ, có những lòng lạch nước chảy qua ngoằn ngoèo, rộng gần 24ha, cao 145m, xung quanh là đầm lầy và rừng tràm, một phong cảnh hoang dã thực sự của thiên nhiên. Đến Mo So, tôi dễ dàng bắt gặp dưới chân núi là dấu tích biển tiến với vô số loại hang chân sóng, dấu ngấn nước biển lõm sâu vào vách đá, như một tuyệt tác được hình thành từ ngàn năm trước.
Ngoài hang, trên các phiến đá sắc nhọn có hình đĩa bay, đá tai mèo, hình con cóc và nhiều gân đá nổi trên vách, vừa đẹp vừa bí hiểm, vừa tạo được lợi thế chiến đấu trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên trong là một hệ thống có trên 20 hang lớn nhỏ, với chiều cao, rộng và sâu từ vài mét đến vài trăm mét, có nhiều nước ngọt theo ngạch chảy thành dòng hoặc đọng lại thành vũng quanh năm.
Ông Nguyễn Tấn Liệt kể lại 7 lần bị thương trong nhiều trận đánh tại căn cứ MoSo với phóng viên. (Ảnh: N. Sang) |
Một cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kiên Lương cho biết, hầu hết các hang được đặt theo tên của đơn vị ta đã trú đóng trong kháng chiến chống Mỹ, như: Hang Công Binh, hang Điện đài, hang Xưởng, hang Tứ Phương… có sức chứa hàng trăm người. Đồ sộ, sâu hun hút (trên 100mét) và có xu hướng mở rộng dần là Hang Quân y – Kinh tài. Đầu hang là cơ quan Quân y, cuối hang là cơ quan Kinh tài, thông lên đỉnh núi theo đường gấp khúc giúp thu nhận được ánh sáng, không khí vào hang. Đây được xem như bệnh viện dã chiến của ta để chữa trị cho thương bệnh binh. Trên vách hang vẫn còn những khẩu hiệu được bộ đội ta viết như: “Anh dũng tuyệt vời”, “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vào sâu trong hang, có nhiều khối thạch nhũ to lớn như hình chiếc vòi rồng khổng lồ, từ trên cao thả dài xuống trông như một sơn động.
Giữa chính tâm Mo So có lòng chảo rộng lớn hơn 2.500 mét vuông, đất bằng mênh mông. Nhìn về phía Đông là hang Nước, có đường thông xuyên qua bên kia núi ở hang Huyện ủy và hang Huyện đội. Cũng tại đây có con đường độc đạo giúp ta đánh địch vào ban đêm, gây tổn thất nặng nề cho địch…”. Nhiều lần đối mặt với những trận càn quét ác liệt của địch, quân ta đã tận dụng địa bàn hang động hiểm trở, lần lượt đánh bại kẻ thù. Do vậy, nhắc đến Mo So là nhắc đến niềm tự hào của người dân Kiên Giang”, anh cán bộ cho biết.
Thời chống Pháp, Mo So là nơi đóng quân của Công binh xưởng Khu 9, Công binh xưởng 18 Long Châu Hà. Năm 1950, súng ngắn mang tên “cán đũa” cùng nhiều loại vũ khí khác cung cấp cho quân ta ở chiến trường Tây Nam Bộ cũng đã được ra đời từ đây.
Đầu tháng 3/1951, binh lực của quân đội Pháp quá lớn, pháo từ biển bắn vào, hỏa lực trên máy bay trút xuống, cùng 2 trung đoàn thủy quân lục chiến đổ quân tiến vào Moso. Sau khi tiếng súng ngừng nổ, núi rừng Mo So và đồng đội đã nghiêng mình vĩnh biệt anh Thạch Xiêm (dân tộc Khmer), người Đảng viên trung kiên đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đồng đội và Công binh xưởng 18.
Du khách tham quan hang động Mo So. Ảnh: CTV |
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, nhiều người con của vùng đất này đã anh dũng ngã xuống. Với những người may mắn hơn, giờ đều đã trên dưới 80 tuổi. Sức khỏe đã giảm nhưng khi nhắc lại chiến trường xưa, kỷ niệm xưa cũ ùa về. Ông Lê Thành Công, nay 83 tuổi, thương binh loại 4, nguyên Phó Công an huyện Hà Tiên; ông Võ Quang Nam, 77 tuổi, nguyên Phó Ban An ninh huyện Hà Tiên là những người từng chỉ huy trận đánh, giành chiến thắng tại căn cứ Mo So.
Ông Nguyễn Tấn Liệt, 71 tuổi, thương binh hạng 3/4, là bộ đội đặc công, với 7 lần bị thương, trong đó có 5 lần trúng miếng lựu đạn của địch, nhớ lại, sau Tổng tấn công 1968, địch đánh phá quyết liệt. Không thể bám trụ rừng tràm được nữa, cuối tháng 7/1969, căn cứ Cách mạng của Hà Tiên được lệnh chuyển về vùng núi Mo So, núi Thanh Trà, núi Cùi Thơm… Tháng 11/1969, địch đánh vào Mo So, sử dụng lực lượng lớn, hỏa lực mạnh quyết hủy diệt lực lượng quân ta trong hang.
Mùa khô 1970, địch sử dụng đến 2 sư đoàn, liên đoàn biệt động, tiểu đoàn, đại đội, xe tăng, pháo binh, máy bay ào ạt tấn công Mo So với âm mưu mới nhằm chiếm tất cả các đỉnh núi. Thời gian này, ông Ba Liệt là một trong những người nhận lệnh của trên, kết hợp với bộ đội R (Trung ương Cục) xuất sắc lập chiến công, bắn cháy nhiều xe tăng địch trong cuộc chiến đấu 3 ngày đêm.
Mo So không chỉ là căn cứ địa cách mạng kiên cường trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến, ghi dấu bao chiến công của thế hệ cha anh đi trước mà còn có tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với hệ thống hang động kỳ thú, bí hiểm tựa như bức tranh sơn thủy. Mo So đã được xếp hạng là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp Quốc gia.
Thực hiện theo phương án phát triển du lịch Kiên Giang, huyện Kiên Lương đang đề xuất với Sở Tài chính xem xét và trình UBND tỉnh xin chủ trương đẩy mạnh việc chỉnh trang, gìn giữ và phát huy nét đặc sắc núi Mo So. Hiện huyện đã bố trí 5ha đất để tái định cư cho hơn 70 hộ dân đang sinh sống quanh khu vực núi Mo So. Song song việc phát triển du lịch gắn với dãy núi Mo So, Kiên Lương đang kết hợp với các đơn vị chức năng triển khai, cải tạo lại nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn như Hòn Phụ tử, Nhà thờ Đá,…
“Biến Mo So thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, vừa là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của lớp cha anh từng góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước,.. cũng chính là mong mỏi thiết tha của người dân Kiên Giang nói chung”, ông Giang Thanh Khoa – Bí thư huyện Kiên Lương cho biết.
Nguyễn Kiên (CANDO)