Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mùa lễ hội nơi ngã ba biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi đã thu hoạch lúa xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức lễ hội “Ăn mừng lúa mới”. Ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp lễ hội ấy. Người Brâu (một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam) ở thôn Đak Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi ngã ba Đông Dương cũng thực hiện lễ hội này với tên gọi Choong Ỡ Bơn H'lư.
Khi những gùi lúa cuối cùng đã được đưa về kho riêng của từng gia đình thì làng bắt đầu cho lễ hội Choong Ỡ Bơn H'lư. Ngoài việc mỗi gia đình tự lo lễ riêng nhà mình thì hội đồng già làng và các chức sắc thôn họp dân, phân công công việc. Nhóm vào rừng sâu tìm đọt dây mây non, nhóm đánh bắt cá suối, nhóm săn bắt chuột đồng, nhóm hái môn thục và một số loại lá rau rừng… Phải có đủ các loại trên để nấu món K'yé truyền thống của người Brâu mà trong lễ hội này không thể không có. Tất cả các loại trên được làm sạch, bỏ chung vào ống lồ ô tươi, trộn thêm vào đấy bột gạo nếp đã được giã mịn, rồi đốt nấu trên lửa. K'yé dùng để ăn với cơm lam hoặc làm thức nhắm uống rượu ghè. Vị dẻo bùi của gạo nếp, vị ngọt ngon của cá suối, vị thơm bùi của rau rừng; đặc biệt là vị nhân nhẩn, đăng đắng của đọt dây song mây non kích thích tuyến vị giác đến… khó quên!
 Lễ hội “Ăn mừng lúa mới” của người dân tộc thiểu số ở xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: T.V.S
Lễ hội “Ăn mừng lúa mới” của người dân tộc thiểu số ở xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: T.V.S
Đặc biệt, trong lễ Choong Ỡ Bơn H'lư, tất cả đồ dùng đều được chế tác từ tre nứa, cây rừng, hạn chế tối đa đồ kim khí hiện đại. Do vậy, cây lồ ô được sử dụng nhiều nhất, từ việc nấu nướng đến việc thay thế đũa bát, ly tách khi ăn uống… 
Trước lễ, mọi người tập trung dọn dẹp vệ sinh quanh làng. Trước sân nhà rông, một cây nêu (cột plang) trang hoàng sặc sỡ được dựng lên, tượng trưng cho mối giao tiếp giữa trời, người và đất. Bằng con đường này Yàng ở trên cao xa sẽ xuống đây chứng kiến và công nhận lễ hội của bà con.
Một ngày trước lễ, bếp lửa mỗi nhà luôn phải giữ đỏ suốt ngày đêm, không được tắt. Các nhà í ới mời nhau qua lại thăm viếng, ăn uống vui vẻ để chuẩn bị tinh thần hưng phấn cho ngày hôm sau cùng dự lễ chính thức ở sân làng.     
Sáng sớm ngày chính lễ, một máng nước “giả” nối các cây lồ ô dài đã chọc thông mắt ruột bên trong đặt trên những chạc cây rừng chôn làm trụ đỡ, từ xa đưa về nơi hành lễ. Vì nay làng không còn ở trong rừng nữa nên thay vì nước từ mỏ nguồn tự nhiên đổ về thì đây là nước được tập trung đổ vào đầu kia cho chảy về nơi hành lễ. Dòng nước mát dội rửa sạch sẽ con vật hiến tế, là chú heo tạ đặt bên cột plang. Trước khi chọc tiết heo, già làng cùng hai phụ tế mỗi người cầm một que nứa vừa đập nhẹ vào heo vừa đọc những câu cầu khấn, mời Yàng về chứng giám lòng thành của dân làng tạ ơn Yàng đã cho một năm qua yên ổn làm ăn, mùa màng thu hoạch tốt, cầu mong năm tới lại tiếp tục mọi sự an lành, khấn lời tống tiễn con vật hiến tế ra đi vui vẻ để về bên kia tâu với Yàng mọi điều tốt đẹp.
Máu heo được mang ra rẫy để già làng bôi vào cổng rẫy, nhà chòi và một số cây cối khác, gọi là Làm Kiêng mời hồn Mẹ Lúa về ở lại nhà kho trong cộng đồng làng. Rước hồn Mẹ Lúa về lại làng, tiết heo lại được già làng bôi vào cột vào cửa nhà kho, khấn bài lễ nhập kho. 
Lúc này, bộ chiêng tha đặc biệt của người Brâu mới được rước từ nhà già làng ra nơi hành lễ. Già làng lại bôi tiết heo đều khắp hai mặt của chiêng tha, khấn Yàng Chiêng về dự lễ và cho phép được đánh lên mở màn lễ hội.
Tiếng chiêng tha trầm ấm vang lên giữa mênh mông rừng núi. Theo tiếng chiêng, bà con lục tục kéo nhau về sân làng. Từng nhóm từng nhóm ăn mặc đẹp, phụ nữ địu con, đàn ông vác ghè rượu, lũ lượt từ mọi ngả kéo về mỗi lúc một đông vui. Thịt heo đã được chế biến nhiều món (chủ yếu là nướng) bốc khói thơm lừng. Món K'yé cũng đang sôi trào xèo xèo bên bếp lửa… Trên nhà rông, các già làng bắt đầu chuyền nhau uống cang rượu đầu tiên bên cạnh chiêng tha thả lời ngân nga trong gió sớm, càng lúc càng réo rắt, thôi thúc, thiết tha.
Tiếp liền sau tiếng chiêng tha đĩnh đạc gióng giả nơi đầu hồi nhà rông, âm vang truyền động núi rừng trời đất là tiếng chiêng mam nhỏ hơn, giòn giã hơn, được roòng quanh bếp lửa trong nhà. Chiêng tha là để cầu đất trời rộng lớn, còn chiêng mam là để mong no đủ sum vầy. Rồi thì chiêng riềng, goong đinh, ting ning, đinh pú, ăm pục, poong poong… cùng hòa âm quyện lẫn vào nhau ngoài sân hội. Quanh cột plang, mọi người đã nắm tay nhau nối vòng vào điệu xoang tưng bừng nhộn nhịp. Cứ thế, lễ hội kéo dài cả ngày và đêm hôm ấy. Con người với thiên nhiên và thần linh chan hòa trong niềm giao cảm thiêng liêng, hồn nhiên bất tuyệt. 
Nơi một góc núi rừng yên bình giáp ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, làng Đak Mế của người Brâu vỏn vẹn chừng 400 con người, đắm chìm trong miên man giai điệu...
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm