Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Mùa xuân đầu tiên" và tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi biết hát đôi chút, nhưng bài “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao thì chưa từng hát cho trọn vẹn dù chỉ một lần. Với nhịp 3/4 của điệu valse khoan thai, dìu dặt, bài hát viết cho mùa xuân thống nhất đầu tiên của đất nước có lẽ hợp với một giọng nữ hoặc một tam ca nữ hơn thì phải.

Tôi cũng không muốn lặp lại những gì mà người ta đã tốn nhiều giấy mực cho bài hát “lạ” ấy trong dòng chảy của nền âm nhạc cách mạng sau ngày 30-4-1975. Trước đó hơn 20 năm, “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng là một giai điệu valse, nhưng là valse của mùa xuân rộn ràng, tươi vui, nhiều thành phần, nhiều thông điệp. Còn với nhạc phẩm “Hoa xuân” của Phạm Duy, ta chợt thấy xuân về theo gió vờn trên bãi cỏ non, theo ong bướm nô đùa trên những đóa xuân tươi thắm để mơ về những mùa xuân thái hòa cho đất nước. “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao thì khác. Khi những tưng bừng rực rỡ dần qua đi, trong niềm vui thống nhất ấy, ta nghe như đâu đó vẫn còn nén một tiếng thở dài trước những xót xa của một dân tộc vừa bước ra từ đau thương, mất mát.

Những ngày cuối cùng của tháng 3-1975. Lúc ấy, tôi chỉ mới là cậu học sinh lớp 8 của một trường trung học tại quận An Nhơn, tỉnh Bình Định, cái độ tuổi vẫn còn ngơ ngác lắm trước một sự kiện mà sau này tôi mới biết rằng đó là một thời khắc vô cùng quan trọng trong cuộc đời mình, gia đình mình, bạn bè mình, quê hương mình. “Mùa xuân đầu tiên” ấy, tôi lên lớp 9, nghĩa là vẫn còn đủ một năm học để mang khăn quàng đỏ với bao lần tự vấn rồi tự lý giải mơ hồ về chiến tranh, về hai miền đất nước.

Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh:internet



“Quận An Nhơn đã hoàn toàn được giải phóng!”-đó là những gì tôi nghe được từ những chiếc loa rè rè treo ở đâu đó. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cụm từ “giải phóng”. Bằng những liên tưởng của tuổi thơ trong những ngày ấy, tôi mơ hồ hình dung rằng sẽ có một sự thay đổi lớn lao nào đó trong cuộc đời mình. Trước những ngày ấy, tôi loáng thoáng nghe rằng ở vùng Tây Nguyên xa xôi nào đó đã được giải phóng trước tỉnh mình. Lúc ấy, tôi đâu ngờ rằng sau này mình lại gắn bó với vùng Tây Nguyên xa xôi kia như một định mệnh.

Tôi vẫn còn nhớ như in, những ngày ấy tôi ra hiệu sách ở quê nhà tò mò xem và mua sách. Ba cuốn sách đầu tiên mà tôi chọn là “Tiểu sử Hồ Chí Minh”, tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi và tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Tôi mua cuốn “Tiểu sử Hồ Chí Minh” để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của một cụ già có chòm râu khá đẹp được in trang trọng ở trang bìa. Tôi mua cuốn “Đất rừng phương Nam” để xem có phải đó là dòng văn chương trinh thám, mạo hiểm, như loại sách Tuổi hoa trước năm 1975 mà tuổi thơ tôi say mê đọc đến quên cả ăn ngủ. Và tôi mua cuốn “Góc sân và khoảng trời” để xem người viết nên những câu thơ ấy ở đâu và làm gì mà làm thơ hay đến in được cả tập. Rón rén trong cái sự mua tập thơ ấy là cả một ước vọng của tuổi thơ tôi: cũng muốn được như Trần Đăng Khoa kia! Tuyệt nhiên, trong ngày hôm ấy tôi không mua một cuốn sách toán nào. Hai trong 3 cuốn sách đầu tiên mà tôi mua kia đã mở ra cho tôi một khoảng trời văn học mới mà không ngờ sau này mình lại được bay trong đó như một duyên nghiệp.

Như vậy là sau tháng 3-1975, tôi được mang khăn quàng đỏ hơn một năm học. Hồi ấy, phong trào Đội đối với lứa học trò chúng tôi là rất thiêng liêng. Được kết nạp vào Đội là cả một quá trình rèn luyện và phấn đấu để đạt những thành tích trong học tập, lao động và nhiều hoạt động phong trào khác. Ở trường cấp II hồi ấy, tôi được bầu làm Liên đội trưởng. Hết giờ học trên lớp, tôi lao vào công việc của một “thủ lĩnh”, nào là điều hành tập nghi thức Đội, nào là tập hợp đội viên đi cổ vũ một trận bóng đá, nào là làm báo tường chào mừng những ngày kỷ niệm lớn, nào là tham gia mấy tiết mục văn nghệ để dự thi. Những ngày ấy, không đêm nào là không có cờ giong, trống mở của bọn tôi, những học sinh về tham gia sinh hoạt với địa phương. Những cuộc giao lưu giữa các chi đội thiếu nhi của các xóm dân cư ngày ấy thực sự đã để lại cho chúng tôi biết bao kỷ niệm vui buồn mà bây giờ gặp nhau chúng tôi vẫn còn kể lại.

Việc học ngày ấy thì lạ lắm, thiếu thốn trăm bề chứ không được như học sinh bây giờ. Lạ ở chỗ, trong cái sự gian khổ thiếu thốn trăm bề ấy, chúng tôi vẫn tươi vui và hồn nhiên như cây cỏ, cứ từ những chén cơm một phần gạo cõng 2 phần khoai ấy mà tự học, mà lớn lên, mà trưởng thành. Hồi ấy, mỗi lớp hầu như chỉ có một vài cuốn sách giáo khoa, giấy hẩm đến độ mà chúng tôi gọi là giấy khoai lang, cả lớp chia nhau chép tay để học. Hồi ấy làm gì có chuyện học thêm như bây giờ. Bọn chúng tôi tự quản lý và tự tổ chức học tổ nhóm với nhau là chủ yếu. Mà thường là học ở nhà. Một tuần cũng chỉ vài buổi gặp nhau để hỏi nhau bài toán, câu văn. Người học giỏi chỉ cho người học yếu. Đứa khỏe gánh vác bớt việc cho đứa ròm. Ngoài việc học, việc nhà, việc chung của tập thể, thì chúng tôi... chơi! Chơi thoải mái, hết đá bóng đến tắm sông, hết leo lên đồi sim tím đến đi tìm mấy anh thân quen xin học mấy nốt nhạc, hết đánh đáo leo cây đến mày mò luyện võ, chứ không học đến tối mắt tối mũi như đa phần học sinh bây giờ.

Rồi từng mùa xuân qua đi. Thi thoảng những mái đầu pha sương từ bốn phương về chụm lại và gõ nhịp: “...Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/Niềm vui phút giây như đang long lanh...”.

 TRỊNH ĐÀO CHIẾN

Có thể bạn quan tâm