Báo xuân

Mùa xuân đồng nhất và quy tụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng đang rất vàng. Trời đang rất trong. Mây rất xanh. Và gió. Thênh thang gió. Cái lạnh se se sáng sớm ảo mờ như sương rất đặc trưng khiến mùa xuân Tây Nguyên không thể lẫn vào nơi nào khác.

Đấy là mùa xuân không mưa phùn gió bấc, không lạnh cắt da, không co ro xo xúi, không hùm hụp áo ấm khăn quàng. Mùa xuân Tây Nguyên mang cái khoáng hoạt của trời của đất của núi của sông và của con người như một cách  báo thức với vạn vật rằng, mùa ning nơng bắt đầu.

 

Nấu bánh chưng.
Nấu bánh chưng. Ảnh: Internet

Bằng rất nhiều sự tác động, cả chủ quan và khách quan, Tết bây giờ đã là của chung người Kinh và người bản địa Tây Nguyên. Chứ thực ra, trước kia, người Tây Nguyên không ăn Tết Âm lịch. Thường thì sau Tết Âm lịch của người Kinh thì người Tây Nguyên mới đến mùa tết của họ. Vâng cả một mùa Tết, mùa lễ hội. Ning nơng mà.

Sự hợp nhất văn hóa, hay nhỏ hơn, là phong tục, cũng gợi lên trong ta bao điều suy nghĩ. Có những cái không thể đã trở thành có thể và ngược lại.

Trong quá trình hợp nhất, giao thoa ấy, không thiếu những hệ lụy đã xảy ra và cũng không ít điều tốt đẹp đã đến.

Hơn chục năm trước thôi, ngay thị xã Ayun Pa bây giờ, trên đường con đường chính, trong khi những gia đình người Kinh tưng bừng ăn Tết thì đồng bào dân tộc thiểu số đeo gùi lạ lẫm đi ngơ ngác như không hiểu sao hôm nay mọi người lại đẹp thế, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ tươm tất thế, phố xá rực rỡ thế…

Ba chục năm trước, mấy chàng công chức độc thân chúng tôi trốn Tết bằng cách mùng 2 đạp xe xuống làng, hưởng cái không khí… không Tết ở làng, mọi sinh hoạt y như mọi ngày, không có gì đổi khác. Chúng tôi trốn cái phố phường ồn ã, trốn cả cái buồn, cái đói, sự tủi thân của những kẻ xa nhà độc thân, xuống làng, thấy mình thư thái như chưa từng cô độc và buồn như cái đêm 30 trước đó.

Sự xích lại của phong tục, văn hóa, một mặt nó khiến cuộc sống như có vẻ thuần nhất hơn, cô đọng hơn, sự san sẻ thấm đượm hơn, mặt khác, nó biểu hiện tình cảm và ý chí của con người trước thời cuộc, sự thích nghi không thể khác để có những tiện ích, có sự hài hòa trong đời sống, khiến cái Tết như tròn đầy, viên mãn hơn...

Tết Tây Nguyên có những đặc trưng rất rõ. Nhưng giờ nó cũng đang trở nên đồng nhất trong quy tụ. Ta gặp ở đây hầu như đủ hết văn hóa phong tục từ các vùng miền. Những người con xứ Bắc mang vào dưa hành giò thủ, miền Trung lên với củ kiệu bò thưng và miền Nam là thịt kho trứng vịt nước dừa. Đấy là đặc trưng ẩm thực, còn đời sống tinh thần cũng thế. Nhớ Tết năm nào đó, giữa kinh thành Thăng Long còn khét lẹt mùi hỏa hổ, ông vua nông dân áo vải nhưng rất trữ tình Nguyễn Huệ đã cắt một cành đào Nhật Tân sai ngựa trạm xuyên ngày xuyên đêm mang về Phú Xuân tặng vợ yêu là công chúa Bắc Hà. Cái hình ảnh cành đào xuyên Việt ấy tôi tin là nó sẽ mãi mãi như sự ngưỡng vọng, sự tín chấp của tình yêu bất diệt. Giờ đào Bắc, mai Trung, cây cảnh miền Tây cũng ngập tràn chợ Tết Tây Nguyên.

 

Cũng không nhất thiết Tết phải là những cảm thức rưng rưng hoài cổ dồn lại trong vài ngày. Tết và mùa Tết giờ nó kéo doãng thời gian và cả không gian ra trong những phạm vi xê dịch lớn hơn, không cứ nhăm nhắm về quê, không cứ nhăm nhắm bịn rịn, không cứ nhăm nhắm lo mấy miếng ăn thức uống ngày Tết, rồi chợ búa rồi trữ thức ăn như cái thời cả năm chỉ ngong ngóng Tết để được... ăn... Những bộn bề bận bịu như cũng khoan hòa hơn, rộng lượng hơn để con người có thời gian ngẩng lên nhìn trời nhìn mây chứ không phải tất bật cho đến tận ngày 30 rồi mới được phủi tay ngẩng mặt lên ngạc nhiên: Ồ Tết rồi lại cắm mặt vào tất bật 3 ngày Tết, rồi lại tiếp theo những tất bật để cả năm tất bật, dẫu có những cái tất bật thỏa thuê hạnh phúc. Người Việt ta nhiều khi lại lấy sự bận rộn hy sinh làm hạnh phúc và thước đo hạnh phúc, lấy lo toan làm trách nhiệm, được thảnh thơi một chút lại thấy như là... thiếu cái gì, như là mình đang vô trách nhiệm với mình, như là mình có lỗi...

Rồi cũng quen với điều kiện sống mới, dù ngày Tết là lúc người ta hoài niệm nhiều nhất. Cứ rưng rưng xuýt xoa với những cơn lạnh xứ Bắc, cứ miên man với rỡ ràng chói lọi nắng phương Nam, hay ngay dẻo đất miền Trung sát biển cũng khiến người xa xứ thắc thỏm với những cơn gió ào ạt lật tung từng mẩu ký ức. Dân Việt là dân xê dịch nhiều nhất, chủ yếu là hành phương Nam kiếm ăn, nên Tết là dịp để mọi người rưng rưng nhớ về tiên tổ. Tây Nguyên là cái rốn của xê dịch ấy, bởi nó là đất mới hoàn toàn của những cư dân lúa nước. Người dân bản địa Tây Nguyên từ xưa không có thói quen ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, họ có hệ thống lễ Tết riêng. Và ngay cái mùa xuân đang rộn ràng kia, đặc trưng quen thuộc của nó ở xứ này cũng rất ít. Thế nhưng mà rồi, vẫn cứ tưng bừng Tết, tưng bừng Xuân từ phố đến làng. Và bây giờ thì cả Tết và Xuân cũng đã đều hợp nhất với mọi cư dân Tây Nguyên.

Đặc trưng vĩ đại nhất của con người là thích nghi. Nhờ thích nghi mà con người có thể an nhiên sống một cách có ích. Nghĩ cho cùng, được như thế là quá hạnh phúc rồi. Nên cái sự mùa xuân đến rồi đi, nó càng làm cho những khoảnh khắc ý nghĩa của đời sống thêm phong phú. Như những cái chớp mắt của đời người, mùa xuân gửi trong ta những giọt nồng nàn của tình yêu để mỗi người cảm nhận được hết cái khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc chuyển mùa vĩ đại của tự nhiên, và con người, vừa nhỏ bé khiêm nhường, vừa lẫn trong cái cảm thức tự nhiên vĩ đại ấy để mà rồi lại tiếp tục những bước chân không mỏi trên hành trình sống của mình...

 Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm