(GLO)- Gia Lai, những ngày đầu Xuân, trời trong veo. Và nắng, vàng tươi, rực rỡ. Và gió, sao bỗng dịu dàng, thơm mùi cơm mới. Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nếu có dịp ngang qua Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), lòng tôi cũng lại ngân lên những câu thơ đắm lòng trong trường ca “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu: “Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác/ Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm/ Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác/ Bác thường trăn trở, nhớ miền Nam!”. Vậy là, kể từ mùa Xuân Quý Tỵ này, Bác đã về với Tây Nguyên.
Từ nay, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên sẽ là nơi để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thể hiện lòng tôn kính đối với Bác Hồ; là nơi để chúng ta dâng hoa, báo công với Người và tự sửa mình khi làm những điều chưa tốt, có hại đối với đất nước, đối với nhân dân. Đặc biệt, đây còn là nơi có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ”- Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin khẳng định.
Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy |
Thỏa niềm mong ước
Một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ suốt từ những năm tháng đói cơm lạt muối trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho đến công cuộc dựng xây và phát triển đất nước, lòng người Tây Nguyên lúc nào cũng khôn nguôi nhớ Bác. Bởi, người Tây Nguyên hiểu rằng, chính Bác Hồ là người yêu quý đồng bào, người luôn khẳng định, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là anh em ruột thịt, không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Từ ngày Bác đi xa, đã có biết bao người con của núi rừng Tây Nguyên hành hương về nơi Bác ở, mà thưa với Bác rằng: Chúng con khắc ghi và làm theo lời Bác dặn, đoàn kết cùng nhau bảo vệ và xây dựng quê hương; để lại bày tỏ nguyện vọng thiết tha mong được đón Bác về ở mãi với đồng bào Tây Nguyên. Nay thì nguyện vọng ấy đã trở thành hiện thực, khi ngày ngày, đã có biết bao người dân đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết lộng gió-đến để ngước nhìn lên tượng Bác, để chiêm ngắm khuôn mặt sáng ngời của cụ già rất phương Đông, quần áo ka-ki, dép cao su, giản dị gần gũi mọi người và đặc biệt là để thấy Bác Hồ cười trong niềm vui mãi mãi. Giữa đất trời Tây Nguyên, Người đứng đó, cao sang mà gần gũi, vĩ đại mà giản dị, như chính cuộc đời của một vị lãnh tụ suốt đời vì nước vì dân.
Còn nhớ, tại lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm xúc động biết bao trái tim-những người dự lễ và xem trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Sau khi ôn lại tình cảm đau đáu của Bác Hồ với Tây Nguyên, tình cảm thủy chung, son sắt của đồng bào Tây Nguyên với Bác, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Được biết, hiện nay ở Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, vẫn đang lưu giữ một tượng Bác bằng đồng, cao 12,5 cm, do đồng bào Jrai đúc thủ công từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, trong những năm Mỹ-Diệm lê máy chém khắp miền Nam, hòng tiêu diệt những người cách mạng, những chiến sĩ cộng sản.
Bức tượng đã được truyền tay từ người ngã xuống cho thế hệ sau với lời dặn: “Đây là tượng Bác Hồ, các đồng chí hãy giữ lấy làm cách mạng, dù có phải hy sinh cũng quyết giữ gìn”. Cảm động biết bao tình dân với Bác, tình người Tây Nguyên một lòng son sắt với Bác. Và chính đó cũng là một nguồn sức mạnh để đồng bào Tây Nguyên cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ngày nay đang tiến hành công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần làm cho Tây Nguyên chúng ta ngày càng phát triển, trở nên trù phú, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện…”.
Lời của Tổng Bí thư khiến tôi nhớ đến câu chuyện của ông Siu Yú ở làng Jít Jẻ, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ-một trong những người cùng các đảng viên và nhân dân trong xã cất giữ tượng Bác Hồ ngày ấy. Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, chốc chốc ông Yú lại nghẹn lời, vì xúc động. “Chúng tôi đúc tượng là để tỏ lòng kính yêu với Bác, để ngày ngày anh em đồng chí đồng đội được gần Bác, kể cho Bác nghe câu chuyện chiến đấu đánh Mỹ của đồng bào Tây Nguyên-ông Yú xúc động nói-Ngày ấy, chính sự “có mặt” hàng ngày này của Bác đã giúp quân và dân Tây Nguyên kiên cường đánh Mỹ, là sự động viên khích lệ tinh thần to lớn để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp sức cho thắng lợi chung”. Và hôm nay, tượng đài Bác Hồ hiển hiện tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, với Siu Ýu là cả niềm vui và tự hào, ông mừng rỡ thốt lên: “Mừng lắm, mừng lắm”, bởi với ông-người từ khi còn trai trẻ, đã từng ấp ủ cất giấu tượng Bác nơi trái tim mình.
Muôn triệu tấm lòng hướng về Bác kính yêu
“Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị, tư tưởng, lịch sử và văn hóa, là món quà của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dành cho Tây Nguyên, thể hiện tấm lòng của Đảng, Bác Hồ đối với Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu (…). Vinh dự, tự hào với công trình văn hóa đầy ý nghĩa này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trân trọng coi đây là báu vật của tỉnh và xin hứa với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ nâng niu, gìn giữ, phát huy hết giá trị, ý nghĩa của công trình…”-Lời phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng tại lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, ngày 9-12-2012. |
Sâu lắng và thiết tha, kể từ khi phát lệnh khởi công xây dựng, đến khi hoàn thành tượng đài Bác Hồ, không chỉ có cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, các nhà khoa học, các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc và cán bộ, công nhân viên của các đơn vị thi công… dành nhiều tâm huyết, tình cảm chân thành đón đợi, mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng luôn dành nhiều tâm huyết, đặc biệt quan tâm công trình “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”.
Thật cảm động và trân trọng biết bao, ngày khởi công công trình tượng Bác, có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự phát lệnh khởi công, ngày khánh thành được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chung vui. Nhớ lại, trong suốt thời gian gần 2 năm thi công công trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến thăm, cùng với Hội đồng Nghệ thuật kiểm tra công trình thi công mẫu “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Hà Nội. Cũng trong thời gian ấy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn có các chuyến đi về với đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai. Lần nào cũng vậy, ngoài công việc chung, các đồng chí cũng dành thời gian đến kiểm tra tiến độ thi công, góp ý từng chi tiết tại công trình xây dựng tượng đài Bác ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku.
…Bây giờ, mỗi khi thấy các thanh, thiếu nhi ngày ngày quây quần bên tượng Bác, thấy khách xa gần về thăm và chụp ảnh lưu niệm bên tượng Bác Hồ, thăm bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; bên thạch thư của Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19-4-1946. Hay bên tháp đá bazan với 54 cột đá tự nhiên, được hun đúc của tạo hóa hàng triệu triệu năm trên mảnh đất Tây Nguyên này, tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em… chính tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, mà lòng ta thấy xốn xang, tự hào. Mới đây, nhà báo Bùi Đức Thịnh-Phó Tổng Biên tập Báo Đak Nông đã dẫn đoàn cán bộ, phóng viên đến TP. Pleiku, việc đầu tiên của đoàn là đến thăm tượng Bác, anh xúc động: “Đứng bên tượng Bác, ta thấy Bác thật gần gũi, thấy lòng mình ấm áp lạ thường”, rồi anh khoe rằng mình có cả bộ sưu tập ảnh của mình bên tượng Bác, xem đây là kỷ vật về Bác Hồ của cuộc đời mình.
Quốc Ninh