Báo xuân

Mùa xuân trên đỉnh Pờ Yầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với những người làm báo chúng tôi, nhắc tới Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) vừa có gì đó thật kích thích, lại vừa ngán ngại. Bởi lẽ, ngôi làng Bahnar nằm chon von trên đỉnh núi cao ấy luôn gắn liền với sự xa ngái, cách trở, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng cho sự lãng mạn thuần khiết nhất của con người.

Ở Gia Lai, chúng tôi đã chiêm ngưỡng nhiều ngôi làng tuyệt đẹp gắn với những ngọn núi cao, nhưng thường ở lưng chừng hoặc tựa hẳn vào núi. Riêng những nóc nhà trên đỉnh Pờ Yầu dường như khác biệt hẳn với thói quen lập làng của người Bahnar xưa nay. Tuồng như khi lập làng, người ta cứ thế chọn một ngọn núi cao ở giữa những ngọn núi cao khác, vạt chóp đi rồi dựng lên những ngôi nhà. Thành ra, giữa trùng điệp những chóp núi nối nhau, ngôi làng Bahnar ấy như một bông hoa trên cao, nở tươi giữa sự khắc nghiệt nhưng cũng tận cùng lãng mạn.

Những câu chuyện từ Pờ Yầu

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đến thăm các em học sinh ở điểm trường làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: Minh Nguyễn
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đến thăm các em học sinh ở điểm trường làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: Minh Nguyễn

“Ngày trước, con đường xuyên núi này chỉ là một lối mòn, cách duy nhất để lên hoặc xuống núi là đi bộ. Con trai các làng muốn tán được con gái Pờ Yầu phải chịu khó, chịu khổ. Mình cũng từng đem lòng thương một người trên này. Sớm tinh mơ, khi con gà rừng chưa gáy đã dậy cắt núi mà đi, cứ hướng thẳng đỉnh núi mà bước, tới nơi là trời vừa sáng. Đó là sức trai tráng mười tám đôi mươi, lại có tình yêu thôi thúc, chứ người bình thường đi bộ theo lối mòn có khi phải 4-5 tiếng”-Lang, chàng trai Bahnar dẫn đường, cố gắng trò chuyện để kéo giãn tinh thần cho người ngồi sau lưng, trong khi chính anh cũng đang gồng sức điều khiển chiếc xe máy lao thẳng lên những con dốc dựng đứng. “Bây giờ lên núi chỉ mất 45 phút đến 1 tiếng đi xe, vẫn còn khó khăn lắm nhưng đường lên Pờ Yầu được như hôm nay là mừng rồi. Con trai, con gái Pờ Yầu lấy chồng, lấy vợ ở các làng dưới núi cũng ngày càng nhiều”-Lang nói thêm.

Già Krơih cũng góp thêm câu chuyện yêu đương muôn thuở nơi sơn cao: “Trên đỉnh núi này toàn họ hàng với nhau nên thanh niên phải xuống núi tán gái mới lấy được vợ. Mình cũng lấy vợ ở tận Kông Chro. Hồi đó gặp nhau ở đám chết một người họ hàng, phải lòng nhau ngay, thế là về cưới thôi. Người Bahnar yêu nhau giản dị lắm, yêu thì nói yêu, không yêu cũng thật là dứt khoát. Gặp nhau trong đám của làng, nhìn nhau ưng cái bụng là dẫn nhau ra bờ suối, rồi thành vợ thành chồng”.  

“Pờ Yầu giờ không thiếu gì cả, chỉ thiếu cái sóng điện thoại”-già Krơih nói trước khi chạy đi tìm Phó Trưởng thôn Hyĩ để hỏi về số hộ nghèo trong làng. Ông nói, ở đây muốn tìm ai thì chỉ có cách duy nhất là chạy tới nhà người đó. Tới nhà không có thì ra rẫy. “Cách làng gần 2 cây số có một chỗ “bắt” được cái sóng điện thoại, mỗi khi muốn liên lạc đi đâu phải ra đúng chỗ đó, nhưng cũng chập chờn khi có khi không. Đám thanh niên còn chịu khó chạy đi chạy về tìm cái sóng mỗi khi có việc, nhưng trời mưa xuống thì cũng đành chịu chết”-già nói.

Từ nhà Phó Trưởng thôn Hyĩ trở về, già Krơih kể thêm, vì đường sá khó khăn nên người dân làm ra cái gì là bán rẻ cái đó. Bời lời, mì, lúa nếu đưa được xuống núi thì khó khổ vô cùng, để tư thương lên mua thì họ ép giá không bằng nửa giá thị trường. Để chúng tôi ngồi bệt giữa ngôi nhà xây trò chuyện, già Krơih phân trần: “Ở trên này cái gì cũng đắt đỏ, mình làm cái nhà tốn bằng 2 cái vì chuyên chở vật liệu lên trên này khó gần bằng… lên trời. Làm nhà xong thì chịu chết, không còn tiền mua thêm cái gì cả”.

Nói sang chuyện học hành của ngôi làng-có lẽ duy nhất của tỉnh-chưa có người nào học đến cấp III, ông trầm giọng: “Thầy cô lên dạy chữ cho con em Pờ Yầu vất vả quá, nhiều cô giáo tội nghiệp lắm, thương lắm. Dân làng biết ơn thầy cô rất nhiều nhưng không có gì để đền đáp. Làng còn nghèo quá mà”. Trong câu chuyện, già Krơih nhiều lần nhắc đến cái nghèo của làng. Làng có 113 hộ mà 2/3 là hộ nghèo. Đó là ưu tiên bình xét chứ theo ông nhà ai cũng nghèo như nhau. Tuy nhiên, cuộc sống trên đỉnh Pờ Yầu đã có sự thay đổi đáng kể từ khi có điện, có ti vi, nước sạch, trường học… Để đưa điện lên đỉnh núi cao này là cả sự nỗ lực lớn của ngành Điện lẫn chính quyền. Và, điện thắp sáng đỉnh núi Pờ Yầu đã khiến cuộc sống của cộng đồng người Bahnar bước sang trang mới.

Mùa xuân trên cao

 

Học sinh vui chơi ở điểm trường làng Pờ Yầu. Ảnh: Minh Nguyễn
Học sinh vui chơi ở điểm trường làng Pờ Yầu. Ảnh: Minh Nguyễn

Trên đỉnh Pờ Yầu ngày cuối năm, trong hơi lạnh sắt se vẫn có ánh nắng ửng hồng của mặt trời phản xạ từ những đụn mây bao phủ trên chóp núi. Nắng chảy loang soi dáng một người mẹ Bahnar đang nửa quỳ nửa ngồi phơi đống lúa mới thu từ rẫy về. “Mùa này, mặt trời xuống núi rất nhanh. Tắt nắng là đêm sập xuống ngay, lạnh như dao cứa vào da thịt. Gió thì rất dữ. Mới tháng trước, gió mạnh đến nỗi “bốc” gọn một ngôi nhà sàn ném thẳng xuống suối Pờ Yầu. Nhưng rồi cả làng lại giúp dựng lại một ngôi nhà khác ngay bên dưới”-thầy giáo Chhơi, người đã gắn bó với Pờ Yầu nhiều năm kể khi chở tôi đi thăm làng.

Khắc nghiệt, khó khổ là vậy nhưng khi hỏi những người sống trên đỉnh Pờ Yầu có định dời làng xuống núi, chúng tôi đều gặp cái lắc đầu dứt khoát. Có thể cảm nhận hạnh phúc hiển hiện trên những gương mặt rám nắng rắn rỏi. Ngày trong nếp ngày, cuộc sống chậm trôi không vội vã, không ai mải mê kiếm tiền, không vồn vã kết giao… Người ta không cần phải nghi ngờ sự lãng mạn của những con người trên đỉnh núi cao này khi ở đây còn có chút gì đó mơ mộng nguyên thủy. Tất cả những gì thuộc về sơn cao: mùa màng, thời tiết, cỏ cây hoa lá, truyền thống văn hóa, thậm chí là vị trí trắc trở, tách biệt với thế giới của vùng đất kỳ lạ này kết hợp lại, làm nên sự gắn bó, thương yêu của con người với nơi chốn họ sinh ra. Tất cả như một sợi dây vô hình bền chặt kết nối con người với tự nhiên.

Mùa xuân, khi mầm cỏ khẽ mọc trong khe núi, người ta cũng dễ nhận ra sức sống mạnh mẽ của ngôi làng Bahnar trên đỉnh Pờ Yầu. 10 năm trước, làng mới chỉ chừng hơn 50  hộ quần tụ giữa đỉnh núi, đến nay đã có thêm vài chục nóc nhà. Ngoài sự thay đổi ấy, lần nào lên Pờ Yầu, chúng tôi cũng gặp lại ngần ấy thứ tiếng động: tiếng gió thổi xào xạc trên những rặng cây, tiếng gà gáy ban trưa khua động sự thanh vắng, tiếng nước chảy nơi đầu giọt, tiếng trẻ con bi bô học chữ… Vậy nhưng tất cả thanh âm ấy ngân nga trong một ngày thanh bình lại in sâu trong tâm tưởng con người.

Mùa xuân này, nếu bạn có ý định đi chơi xa thì Pờ Yầu có thể sẽ mang đến những khoảnh khắc mùa xuân tuyệt diệu. Đó sẽ là một ngày không facebook, zalo, không sóng điện thoại, chỉ có ta với mùa xuân trên cao. Cắm trại bên suối Pờ Yầu, ngủ lại trong một đêm xuân thanh tĩnh chỉ có tiếng suối róc rách, hòa vào không khí đón Tết của người Bahnar trên non cao, say trong men rượu chếnh choáng… bạn sẽ được tận hưởng trọn vẹn cảm giác bao bọc giữa đất trời vô lượng. Một chuyến du xuân ngắn thôi nhưng sẽ có ngày ran lên trong ký ức những cảm xúc tĩnh lặng mà người ta muốn chiếm hữu nó mãi mãi.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm