Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mùa Xuân tươi của cán bộ lão thành 75 tuổi Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong số 386 đảng viên được Tỉnh ủy Gia Lai tặng huy hiệu Đảng đợt 3-2 theo Quyết định số 1712-QĐ/TU mới đây, có một đảng viên tròn 75 tuổi đảng. Đó là người đảng viên lão thành cách mạng Lê Thị Hiến, hiện sinh sống tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Lễ trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng dành cho cụ Hiến vừa được Thành ủy, chính quyền, đoàn thể, phường Hoa Lư tổ chức trang trọng nhằm tri ân người cán bộ lão thành có nhiều đóng góp cho cách mạng. 
Một cuộc đời sôi nổi
Khi trao đổi với Phó Bí thư Đảng ủy trẻ tuổi phường Hoa Lư Văn Thị Liên Cao, chúng tôi có thêm thông tin: Phường không còn nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa, cũng như lão thành cách mạng. Còn khỏe mạnh, minh mẫn như cụ Hiến là "của hiếm" của đảng bộ, chính quyền địa phương cũng như của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku Trần Xuân Quang trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Lê Thị Hiến. Ảnh: Thất Sơn
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku Trần Xuân Quang trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Lê Thị Hiến. Ảnh: Thất Sơn
Khuôn viên rộng rãi trên đường Phan Đình Giót, nhà cụ Hiến nằm ở giữa, 2 bên là nhà các con. Anh Trần Đình Vũ- Bí thư chi bộ 5 (phường Hoa Lư) như đã hẹn, có mặt từ trước. Cụ Hiến chậm rãi từ trong buồng đi ra tiếp khách. Căn phòng giản dị, ấm cúng, hãy còn hương hoa, bánh trái, cảm giác ngày xuân chưa vội đi xa. Ấn tượng khi bước vào là những huân, huy chương xếp ngăn ngắn, trân trọng bao quanh phòng của đôi vợ chồng cán bộ lão thành và người thân- phần thưởng Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tích, công lao đóng góp.
Tuổi cao sức yếu, mấy ngày nay thời tiết trở lạnh, sức khỏe cụ Hiến có phần ảnh hưởng. Tuy nhiên, quan sát thấy cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, hoạt bát. Mở đầu câu chuyện, chúng tôi chức mừng sức khỏe, mừng cụ được trao tặng huy hiệu 75 tuổi Đảng đợt 3-2, trong những ngày đầu xuân ý nghĩa. Còn cụ không giấu được niềm vui, niềm phấn khởi, người như trẻ ra." Đời bác không gì vui bằng lúc này, khi vừa được tặng huy hiệu 75 tuổi Đảng. Từ ngày đi theo cách mạng đến giờ, bác thấy không gì hạnh phúc bằng. Hạnh phúc khi sự nghiệp cách mạng của Đảng ngày càng to lớn, rỡ ràng, trong đó có phần đóng góp công sức của bản thân và gia đình. Hạnh phúc khi cháu con trưởng thành, ngoan hiền, hiếu thảo". 
Cho tới xuân này, cụ Hiến đã bước sang tuổi 94. Cụ người gốc Huế, quê bây giờ là phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Gia đình cụ vốn có truyền thống yêu lao động, ham học hỏi, và đặc biệt giàu lòng yêu nước. Anh em gia đình cụ đều tham gia cách mạng, mẹ của cụ nằm trong Hội mẹ liệt sỹ . Cụ Hiến tham gia cách mạng ở địa phương từ năm 1943, trong tổ chức thanh niên, phụ nữ cứu quốc, tham gia cướp chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945. Hăng hái, nhiệt tình nên đến ngày 14- 12-1945, cụ được tổ chức kết nạp vào Đảng. Nói về dấu ấn đáng nhớ này, cụ Hiến nhớ như in thời điểm kết nạp là 1 giờ sáng trong một trại dâu tằm ở xã Thủy Xuân. Người đứng ra kết nạp cụ là ông Trần Sự, trước đó thông báo với ba mẹ cụ Hiến đưa đi họp, không nói rõ lý do. Có lẽ để giữ an toàn và bí mật. 
Sau khi được kết nạp Đảng, cụ Hiến tham gia phong trào càng sôi nổi, tích cực. Năm 1946 thực dân Pháp quay lại xâm lược, cụ Hiến là Huyện ủy viên huyện Hương Thủy, được tổ chức phân công phụ trách phong trào 3 xã. Đến năm 1948, cụ tiếp tục phụ trách phong trào phụ nữ ở địa phương cho đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc.
Liên tiếp những năm sau đó, cụ Hiến trải qua các nhiệm vụ: cán bộ thuế vụ ở Nghệ An, đội trưởng đội cải cách xã Đức Phúc- Hà Tĩnh, đội trưởng đội sửa sai cấp huyện ở Nghệ An, cán bộ thuế vụ ở Nam Định, Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định, Ban chấp hành Hội Phụ nữ Nam Định, Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh Nam Hà. Trong những năm sống trên miền Bắc, cụ Hiến vừa công tác vừa được tổ chức bố trí theo học văn hóa, chuyên môn, chính trị, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp.
Năm 1967, cụ Hiến về Nam, công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum, sau về làm Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai- Kon Tum trước khi nghỉ hưu năm 1983. 
Truyền thống trao truyền
Cũng chính trong những năm tháng sôi nổi tham gia phong trào tại địa phương, cụ Hiến đã gặp và lập gia đình với người thanh niên cùng lý tưởng lúc này là Bí thư Thanh niên xã- Nguyễn Anh Thông (hiện đã mất). Lễ cưới của ông bà do chính Chủ tịch Huyện ủy làm chủ hôn. Phong trào cuốn vào nên cưới nhau 3 ngày, cụ Thông được tổ chức cử ra học tập tại Quảng Trị, gắn bó một thời gian dài với cuộc đời binh nghiệp. Cũng như vợ, cụ Thông sau trở về Nam chiến đấu, công tác tại tỉnh Kon Tum. Trước khi nghỉ hưu, ông có thời gian công tác tại Ban tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Pleiku. Với cuộc đời hoạt động cách mạng sổi nổi, vợ chồng cụ Hiến-Thông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen- phần thưởng cao quý dành cho những đảng viên trung kiên, những lão thành cách mạng.
Cụ Lê Thị Hiến. Ảnh: Thất Sơn
Cụ Lê Thị Hiến. Ảnh: Thất Sơn
Ông bà có 3 người con, 2 trai 1 gái. Anh con trai đầu là Nguyễn Việt Dũng- nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum ( đã nghỉ hưu). Anh là kết qủa trong một lần gặp nhau khi ông đi công tác ngang qua, còn bà thì  đang học bổ túc. "Tôi mang bầu sinh con, nhưng ông không hề hay biết là như vậy đấy"- cụ Hiến vui vẻ kể . Người con thứ hai là chị Nguyễn Thị Kim Liên- nguyên Hiệu phó Trường THPT Pleiku, nay đã nghỉ hưu. Người con thứ 3 là anh Nguyễn Đình Tuấn- hiện là Phó Giám đốc Sở Y tế. Tất cả đều trưởng thành, lúc nào cũng tâm nguyện noi gương học tập truyền thống gia đình, dòng họ. Đó là điều cụ Hiến lấy làm may mắn, sung sướng và hạnh phúc nhất đời. 
Khi được hỏi một ngày của mình hiện nay diễn ra như thế nào, hóm hỉnh cụ Hiến cho biết: " Bản thân tôi có 3 nhiệm vụ: một là cố gắng duy trì ăn uống, hai là uống thuốc điều độ và 3 là đọc sách báo". 
Lúc mới đến, ngay tại cửa chính phòng khách, chúng tôi đã thấy mấy tờ báo trên bàn. Theo chị Liên, cụ Hiến đi lại trong nhà, ăn được, ngủ được, mắt sáng, trí nhớ tốt, chỉ tai hơi nặng. Người già ai cũng bệnh tật, vì vậy con cháu luôn thăm nom coi sóc, nhắc cụ thuốc thang đều đặn. Cụ không mấy khi ra ngoài khi không có con cháu theo cùng.
Sau "nhiệm vụ" ăn uống, thuốc thang, cụ Hiến dành thời gian nắm bắt thông tin tình hình đời sống xã hội qua tivi, sách báo. "Báo Gia Lai tôi được cấp, các tờ báo khác như Tuổi trẻ, Công an nhân dân... do các con mua về. Theo dõi thông tin sách báo, ti vi là thói quen, nhu cầu của tôi lâu nay. Bây giờ đi lại khó khăn, giao tiếp chủ yếu chỉ với cháu con trong nhà nên nếu không có sách báo sẽ không biết được gì nhiều"- cụ Hiến nói. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi trong câu chuyện, cụ Hiến chứng tỏ là người nắm bắt nhiều vấn đề từ chính trị đến văn hóa, xã hội của đất nước, tỉnh, thành phố; cả công tác tổ chức, nhân sự đại hội đảng các cấp, vấn đề trật tự giao thông liên quan đến quy định cấm lạm dụng bia rượu, dịch viêm phổi cấp corona đang diễn ra...Thông tin gì cụ cũng nắm, nhớ lâu, kể lại rõ ràng. 
Trong tâm trí người đảng viên lão thành, chúng tôi hình dung nhiều điều trăn trở, trách nhiệm với bao tâm huyết, tin tưởng và hy vọng. "Nhận huy hiệu 75 tuổi Đảng, dĩ nhiên là tôi vui mừng phấn khởi. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, tỉnh, địa phương. Cuộc đời tôi, như vậy là không còn gì bằng". Nhưng cùng với vinh dự này, người đảng viên lão thành nhận thấy trách nhiệm chưa hết nặng nề. Đó là trách nhiệm giáo dục cháu con làm sao cho xứng đáng với lớp đảng viên đi trước, với truyền thống vẻ vang của Đảng. "Không tham gia sinh hoạt được thì tôi có trách nhiệm dạy bảo, giáo dục cháu con, lớp trẻ chấp hành thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương, đừng làm gì phương hại đến uy tín, danh dự gia đình, tổ chức. Để nó hỏng là không xứng đáng"- cụ Hiến xác định.
Và tâm nguyện đó được thực hiện cũng có nghĩa người đảng viên lão thành có thêm động lực để sống khỏe sống vui. "Tôi cũng tự động viên mình cố gắng giữ gìn sức khỏe để đến ngày nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng"-cụ Hiến thổ lộ. Tất nhiên, chúng ta đều mong cụ sống lâu trăm tuổi và tin tưởng mong ước ngày đó của cụ không quá xa xôi.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm