Báo xuân

Năm 2013 tập trung đầu tư cho các xã điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Kpa Thuyên. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Kpa Thuyên. Ảnh: Nguyễn Diệp

(GLO)- Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chương trình đã đạt kết quả khả quan. Nhân dịp năm mới 2013, ông Kpa Thuyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Gia Lai về vấn đề này.

-P.V: Ông có thể khái quát kết quả đạt được của chương trình  mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh?

Ông Kpa Thuyên: Kết quả đầu tiên mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt được phải kể đến là bộ máy tổ chức thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã đã hoàn thiện đúng quy định để triển khai các phần việc theo lộ trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nhờ vậy, đến thời điểm này, 185/185 xã đã thực hiện xong phần việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn và hoàn thành Đề án xây dựng NTM cấp xã. 17/17 huyện, thị xã, thành phố lập xong kế hoạch xây dựng NTM, còn kế hoạch cấp tỉnh đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đồng loạt tổ chức phát động phong trào chung sức xây dựng NTM; tuyên truyền sâu rộng nội dung, tiêu chí cụ thể để người dân hiểu và thực hiện. Nên quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân; các tổ chức; doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp tài lực để xây dựng NTM theo lộ trình đề ra. Ước tính trong tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình tại 45 xã điểm là 198.809 triệu đồng; trong đó, vốn Trung ương 32.400 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 108.076 triệu; ngân sách địa phương 39.285 triệu; đóng góp của nhân dân 15.979 triệu đồng; doanh nghiệp 1.999 triệu đồng; vốn tín dụng 1.070 triệu đồng. Nguồn vốn này đã đầu tư nâng cấp gần 57 km giao thông nông thôn, 1,1 km kênh mương, 3 công trình thủy lợi, 24 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trạm y tế và nhiều hạng mục hạ tầng khác. Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ sản xuất với các nguồn vốn đầu tư khác xây dựng các mô hình thâm canh cà phê; chăn nuôi; nuôi cá nước ngọt; trồng lúa nước... góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân làm thay đổi diện mạo nông thôn...
 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

-P.V: Trong 17 huyện, thị xã, thành phố thì địa phương nào được đánh giá là điển hình trong xây dựng NTM-Thưa ông?

Ông Kpa Thuyên: Quá trình triển khai đã xuất hiện rất nhiều điển hình từ cá nhân đến tập thể trong phong trào chung tay xây dựng NTM như: thành phố Pleiku, huyện Đak Đoa, Phú Thiện, Chư Prông, Kbang... Mỗi một địa phương có điểm sáng riêng, song nổi bật là huy động nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của làm đường; cá biệt đã xuất hiện nhiều hộ đồng bào thiểu số  tại các huyện Chư Prông, Đak Đoa tình nguyện hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn; ứng vốn trước để xây dựng hệ thống điện. Nông dân các địa phương tự giác chỉnh trang hàng rào, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khu vực phù hợp. Duy trì nếp làm vệ sinh thôn làng đảm bảo môi trường sống xung quanh. Có thể nói, đây là một trong những điển hình trong hành trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được Trung ương đánh giá cao.

-P.V: Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013?
 

Ông Kpa Thuyên: Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, năm 2013, sở Nông nghiệp-PTNT với vai trò là cơ quan thường trực sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, mức đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp để thực hiện chương trình theo Quyết định 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các mô hình hay, những điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM. Tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện theo kế hoạch phân bổ hàng năm. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát hướng dẫn các xã thực hiện bổ sung những quy hoạch chi tiết cần thiết. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng cấp xã gồm giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng để cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trên điạ bàn các xã điểm vào năm 2015. Xác định những tiêu chí nào gần đạt thì làm trước cho hoàn thành tiêu chí đó, không đầu tư dàn trải. Đặc biệt, tập trung đầu tư cho các xã điểm lập kế hoạch cụ thể để có thể hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM trong thời gian sớm nhất...

-P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm