Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời phát sinh do cơn bão số 4 gây ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tối 27-9, tại điểm cầu chính tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành-Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên về công tác rà soát ứng phó với bão số 4 (bão Noru). Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Bước vào buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chỉ còn mấy tiếng nữa thì bão sẽ đổ bộ vào đất liền, thời gian còn lại rất quý. Do đó, cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những phát sinh do cơn bão gây ra. Phó Thủ tướng nhấn mạnh cuộc họp cần tập trung vào các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Trong đó, đặt an toàn, tính mạng người dân lên hàng đầu nên các địa phương tiếp tục rà soát sơ tán, di dời người dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các điểm xung yếu đến nơi an toàn rất quan trọng; tuyệt đối không để người dân ở lại tàu, thuyền sau khi đưa về nơi neo đậu trú, tránh bão.
Quang cảnh họp trực tuyến với Chính phủ về công tác ứng phó với bão số 4 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn
Quang cảnh họp trực tuyến với Chính phủ về công tác ứng phó với bão số 4 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương có phương án ứng trực, bảo vệ tuyệt đối an toàn đê điều, vận hành liên hồ chứa, hồ thủy lợi, đập thủy điện, bệnh viện, hạ tầng giao thông, hệ thống điện và thông tin liên lạc; bố trí đầy đủ lương thực, thực phẩm để sẵn sàng ứng cứu các tình huống xấu, trường hợp bị cô lập, chia cắt có thể xảy ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Sau cuộc họp sẽ tiếp tục di chuyển từ tỉnh Quảng Trị về tỉnh Thừa Thiên Huế để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 và liên tục họp trong đêm với 8 địa phương để kịp thời chỉ đạo phòng-chống bão.

Tại buổi làm việc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum báo cáo về công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó với bão số 4; việc rà soát, tổ chức di dời, sơ tán người dân ở các vị trí có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở an toàn; công tác kiểm tra tàu thuyền tại âu tàu neo đậu, trú tránh bão; công tác tổ chức cưỡng chế người dân trên các tàu thuyền lên bờ trú bão an toàn. 
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long khẳng định: Cả hệ thống chính trị đã tập trung các giải pháp ứng phó với bão số 4. Tại tỉnh Gia Lai, các huyện, thị xã, thành phố và các cấp cơ sở thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để chủ động công tác ứng phó với bão số 4; tổ chức ban 24/24 giờ tại tất cả cấp trên địa bàn tỉnh. Chiều 27-9, tỉnh đã tổ chức 2 Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại 7 huyện trọng điểm về thiên tai trên địa bàn tỉnh. Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Chủ tịch
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long báo cáo công tác ứng phó với bão số 4 tại địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương này triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Rà soát, tổ chức di dời các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.
Cụ thể: hoàn thành việc di dời của 133 hộ/400 khẩu tại huyện Kông Chro, Kbang, Ia Pa tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét. Xây dựng kế hoạch sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai di dời khi mực nước dâng cao đối với khoảng 8.500 khẩu (huyện Phú Thiện khoảng 200 hộ/500 khẩu; huyện Ia Pa, sơ tán 8.000 khẩu). Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa địa bàn được nghỉ học từ chiều ngày 27-9 đến hết ngày 28-9 để đảm bảo an toàn.
Từ đầu cầu Ban chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Các lực lượng ứng trực 24/24 giờ cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, đặt tính mạng người dân lên trên hết, chuyển trạng thái từ vận động sang cưỡng chế di dời. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương kiểm tra lần cuối những điều kiện cần thiết để thực hiện “4 tại chỗ”, tập trung kiểm tra vùng xung yếu. Đặc biệt là di dời những người còn lại trong khu vực nguy hiểm, đảm bảo thông tin liên lạc và an toàn của lực lượng tham gia ứng cứu. Kiểm tra lần cuối điều kiện cần thiết, không để bất kỳ người dân nào còn ở khu vực nguy hiểm. Đáng chú ý là sau cơn bão đi qua nguy cơ sạt lở, ngập lụt rất cao các địa phương cần chủ động xử lý. 
hỗ trợ
Các lực lượng Công an, Dân quân trên địa bàn huyện Kbang hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa an toàn trước khi bão đến. Ảnh: Ngọc Minh
Kết luận buổi làm việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng-chống bão với tinh thần rất cao của các bộ ngành, địa phương. Các địa phương đang chạy đua với bão,  toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương thống nhất, tập trung thật cao, tập trung tối đa các lực lượng ứng cứu. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần chú trọng, khẩn trương và khẩn trương hơn nữa, tất cả vì tính mạng của người dân; rà soát người dân ở toàn bộ các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt sở cao. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, khu vực không an toàn trong lúc bão đổ bộ và nguy cơ cao thiệt hại.
Để người dân yên tâm, các địa phương cần bố trí lực lượng Công an, dân quân, chính quyền xã bảo vệ tại sản của người dân ở khu vực đã sơ tán; hỗ trợ ứng cứu tài sản đối với những nhà sập, tốc mái tránh trượng hợp thất thoát tài sản người dân sau khi bão đi qua. Trong đó, lưu ý các công trình quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh, hồ đập, đê biển, đường điện cần có giải pháp ứng trực bảo đảm an toàn; điều tiết an toàn lượng xả của các hồ đập thủy điện để không ảnh hưởng người dân vùng hạ du. Tuyên truyền người dân không ra đường khi bão đổ bộ vào đất liền, quản lý chặt chẽ các nút giao thông không để người dân đi vào vùng nguy hiểm; công tác phối hợp giữa các lực lượng ứng cứu phải thống nhất, nhịp nhàng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm