(GLO)- Theo thống kê, khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có hàng ngàn héc ta trồng cây thuốc lá, tập trung chủ yếu ở các huyện: Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Cùng với các loại cây trồng khác, cây thuốc lá đã giúp nông dân nơi đây có nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều hộ còn vươn lên làm giàu từ việc canh tác cây thuốc lá. Tuy nhiên, việc hình thành vùng chuyên canh loại cây trồng này đã tạo ra không ít hệ lụy, đáng chú ý là việc sử dụng gỗ, củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá.
Lò sấy thuốc lá tàng trữ gỗ rừng làm chất đốt ở làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Ảnh: Đ.P |
Trong chuyến công tác tại huyện Ia Pa mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã trực tiếp đến kiểm tra 2 lò sấy thuốc lá trên địa bàn làng Bi Yông, xã Pờ Tó. Tại đây, có hàng trăm khúc gỗ dầu đường kính 10-20 cm được xếp thành đống chờ đến mùa sấy thuốc lá. Sau khi quan sát hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng này. Tại hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 9 tháng năm 2018, khi đề cập vấn đề quản lý bảo vệ rừng, Bí thư Tỉnh ủy một lần nữa yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng củi rừng để sấy thuốc lá. Theo Bí thư Tỉnh ủy, đó chính là hành vi phá rừng, phải có giải pháp ngăn chặn một cách triệt để. Cùng với đó, ngành chức năng cần nghiên cứu đưa vào sử dụng nhiên liệu thay thế củi rừng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến công tác tại Ia Pa, UBND tỉnh đã có Công văn số 1685/UBND-NL chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa yêu cầu các cơ sở sấy thuốc lá ký cam kết không sử dụng gỗ, củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tìm phương án sử dụng công nghệ sấy tiên tiến thay thế công nghệ sấy bằng chất đốt như hiện nay.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: kiểm tra, thu giữ gỗ, củi rừng; yêu cầu chủ lò sấy cam kết không sử dụng gỗ, củi rừng để sấy thuốc lá; yêu cầu các cơ sở không thu mua thuốc lá nếu sấy bằng gỗ, củi rừng… Theo lãnh đạo một số địa phương, việc sử dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên để sấy thuốc lá là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì không thể giải quyết một cách căn cơ “bài toán” nhiên liệu sấy thuốc lá. Trên thực tế, người dân vẫn dùng gỗ, củi dẫn lửa phụ với trấu để sấy thuốc lá. Vì vậy, nguy cơ phá rừng vẫn đang hiện hữu!
Theo chúng tôi, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tìm phương án sử dụng công nghệ sấy tiên tiến thay thế việc sấy bằng chất đốt như hiện nay. Trong khi chưa tìm ra nguồn nhiên liệu thay thế, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần nghiên cứu chuyển đổi diện tích cây thuốc lá sang các loại cây trồng phù hợp để đảm bảo thu nhập cho người dân. Bởi lẽ, sự tồn tại của cây thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe con người mà còn dẫn đến nguy cơ phá rừng!
Duy Lê