Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh: Nhiệm vụ cấp bách và lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
* Kỳ 1: Những tín hiệu lạc quan
(GLO)- Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp xem xét có đầu tư hay không đầu tư vào một địa phương. Vì vậy, để nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu đưa Gia Lai nằm trong nhóm 20 tỉnh thành đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước vào năm 2020, tỉnh đang nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh
 Tỉnh tổ chức gặp mặt doanh nghiệp hàng năm để nắm bắt những vướng mắc cần tháo gỡ. Ảnh: H.D
Tỉnh tổ chức gặp mặt doanh nghiệp hàng năm để nắm bắt những vướng mắc cần tháo gỡ. Ảnh: H.D
Với sự nỗ lực không ngừng của các sở, ngành liên quan cũng như chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, năm 2017, PCI của Gia Lai trên bảng xếp hạng cả nước đã tăng 3 bậc so với năm 2016. Cụ thể, Gia Lai đạt 60,91 điểm, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Trong 10 chỉ số thành phần, Gia Lai có tới 7 chỉ số tăng so với năm 2016, gồm: chi phí không chính thức (đạt 4,86 điểm, tăng 0,5 điểm), tính năng động của lãnh đạo tỉnh (4,92 điểm, tăng 0,72 điểm), đào tạo lao động (5,56 điểm, tăng 0,15 điểm), thiết chế pháp lý (5,7 điểm, tăng 0,02 điểm), hỗ trợ doanh nghiệp (7,19 điểm, tăng 1,24 điểm), tiếp cận đất đai (6,9 điểm, tăng 0,97 điểm), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (6,46 điểm, tăng 0,53 điểm).
Giai đoạn 2017-2020, tiêu chí chấm điểm PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ ưu tiên các chỉ số thành phần được cho là quan trọng nhất trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin (20%), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%), đào tạo lao động (20%), tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức (10%). Về sự thay đổi này, tỉnh ta hoàn toàn có thể lạc quan. Bởi lẽ, ở chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tỉnh ta đã từng bước làm rất tốt, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá ngày càng cao, thể hiện bằng số điểm hàng năm (năm 2015 là 5,7 điểm, năm 2016 là 5,93 điểm và năm 2017 tăng lên 6,46 điểm). Tương tự, theo đánh giá của các doanh nghiệp, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh năm 2017 so với năm 2016 đã được cải thiện đáng kể, đạt tới 6,9 điểm, cao hơn Quảng Ninh (tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017) 0,47 điểm và hơn Lâm Đồng (tỉnh dẫn đầu PCI khu vực Tây Nguyên) 0,67 điểm. Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp của Gia Lai đạt 7,19 điểm.
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhận định: “Hiện nay, không chỉ Gia Lai mà các địa phương khác cũng đang nỗ lực trong việc cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI, thể hiện ở việc trong 13 năm triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, điểm trung vị PCI năm 2017 ở mức cao nhất với 62,2 điểm. Việc vượt lên 3 bậc trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc so với năm 2016 đã thể hiện sự nỗ lực, quyết liệt và nghiêm túc của Gia Lai. Càng đáng tự hào hơn khi theo đánh giá chung của VCCI, đa số các tỉnh bị giảm mạnh ở 3 chỉ số là tiếp cận đất đai, tính minh bạch và thiết chế pháp lý thì Gia Lai lại tăng ngoạn mục”.
Vẫn còn hạn chế
Công nhân Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai sơ chế hạt điều. Ảnh: K.L
Công nhân Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai sơ chế hạt điều. Ảnh: K.L
Với việc tăng hạng nói chung và nhiều chỉ số thành phần nói riêng tăng điểm, mục tiêu lọt vào tốp 20 địa phương dẫn đầu cả nước về PCI năm 2020 của Gia Lai trở nên gần hơn. Tuy vậy, tỉnh vẫn có 3 chỉ số bị sụt giảm so với năm 2016 gồm: chi phí thời gian (5,23 điểm, giảm 1,03 điểm), gia nhập thị trường (7,13 điểm, giảm 0,75 điểm) và cạnh tranh bình đẳng (5,42 điểm, giảm 0,67 điểm).

Chỉ số PCI là một thước đo quan trọng hiện nay để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, công tác quản lý và điều hành kinh tế của tỉnh. Bảng xếp hạng PCI 2017 là kết quả điều tra, phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố ở nước ta.

Chi phí thời gian là chỉ số đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên về thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Trong cuộc gặp mặt doanh nghiệp diễn ra giữa tháng 7-2018, ông Thái Hồng Nhân-Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức-cũng đề cập tới vấn đề này: “Chúng tôi đã được lãnh đạo tỉnh rất tạo điều kiện trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi mong tất cả những thủ tục được làm một cách đồng bộ, nhanh chóng, thuận lợi hơn, không mất quá nhiều thời gian chờ đợi khi phải lấy ý kiến nhiều sở, ngành”.
Thực tế cho thấy, không phải cứ được cấp giấy phép kinh doanh là các doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường ngay mà còn phụ thuộc nhiều vấn đề như: mặt bằng, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất, hóa đơn thuế, giấy chứng nhận của sở, ngành chủ quản... Do vậy, các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ chính quyền và các sở, ngành chức năng. Song, với việc chỉ số chi phí gia nhập thị trường của tỉnh năm 2017 giảm 0,75 điểm so với năm 2016 cho thấy, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, đồng thời thể hiện năng lực, thái độ phục vụ ít nhiều còn hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.
Cạnh tranh là nền tảng của nền kinh tế thị trường. Mức độ cạnh tranh càng lớn, cạnh tranh càng công bằng thì mức độ phát triển thị trường càng cao. Nhưng muốn có cạnh tranh công bằng thì cả chính quyền và lực lượng chức năng phải thực hiện đúng trách nhiệm, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, còn doanh nghiệp cũng phải biết “nói không” với cách thức làm ăn chụp giật, “nói không” với tiêu cực. Ông Bùi Nghĩa Thảo-Chủ tịch, kiêm Giám đốc Petrolimex Gia Lai-cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, tại một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có tình trạng hàng không rõ nguồn gốc. Sự cạnh tranh này là không công bằng, ảnh hưởng lớn tới uy tín của Công ty, chưa kể gây ảnh hưởng tới người sử dụng”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm