Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nâng cao hiệu quả đấu thầu qua mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến cuối tháng 11-2020, toàn tỉnh đã thực hiện đấu thầu qua mạng 515/630 gói thầu (đạt 81,7%) với tổng giá trị là 1.514/3.500 tỷ đồng (đạt 43,3%). Ngành chức năng đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu qua mạng.

Ông Phan Hữu Phước-Trưởng phòng Dự án đấu thầu (Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh) cho biết: “Năm 2020, Ban có tổng cộng 13 gói thầu, trong đó đã triển khai đấu thầu qua mạng 8 gói thầu. Việc đấu thầu qua mạng đem lại nhiều tiện ích, góp phần mang lại sự công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Bên cạnh đó là tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu 5-8 ngày so với phương thức đấu thầu truyền thống. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, việc đấu thầu qua mạng cũng giúp công tác lựa chọn nhà thầu thuận lợi hơn”.

 Hoạt động đấu thầu qua mạng sẽ được gia tăng cả về chất và lượng trong thời gian tới. Ảnh: Hà Duy
Hoạt động đấu thầu qua mạng sẽ được gia tăng cả về chất và lượng trong thời gian tới. Ảnh: Hà Duy



Theo lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, 100% gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng; thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng phải tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai đấu thầu qua mạng vẫn còn những hạn chế nhất định. “Chủ yếu do sự thiếu quyết tâm của chủ đầu tư, bên mời thầu. Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ chủ đầu tư, bên mời thầu có tâm lý “ngại” thay đổi và không muốn áp dụng đấu thầu qua mạng. Cán bộ của bên mời thầu và nhà thầu chưa được đào tạo về đấu thầu qua mạng nên đã gặp khó khăn khi chuyển đổi từ phương thức giấy tờ truyền thống sang thực hiện điện tử... Ngoài ra, hệ thống chính sách, hạ tầng công nghệ chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các địa phương vẫn còn hạn chế, hầu hết nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả đấu thầu qua mạng”-ông Thành nhận xét.

Ông Phạm Thy Hùng-Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia-cho hay: “Đấu thầu qua mạng được quy định cụ thể tại Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT, Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT và Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, Thông tư số 05/2020-BKHĐT ngày 30-6-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15-11-2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị đảm bảo dự thầu, đảm bảo thực hiện hợp đồng không được hoàn trả đã tạo một sân chơi công bằng, minh bạch cho các nhà thầu khi đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, giúp hoạt động đấu thầu qua mạng sẽ được gia tăng cả về chất và lượng trong thời gian tới”.

Theo ông Phạm Công Thành, tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cá nhân, đơn vị, nhất là UBND cấp xã nắm bắt được các quy định pháp lý và kỹ năng để họ có thể kịp thích ứng, bắt nhịp được với xu thế hiện đại hóa trong lĩnh vực đấu thầu.

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm