Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nâng cao trách nhiệm gia đình trong quản lý, giáo dục người thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2012-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Công an tỉnh thường xuyên phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của gia đình trong việc quản lý, giáo dục người thân, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Sau tổng kết 5 năm giai đoạn 2008-2012, Công an tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 1106/KH-CAT-HLHPNT ngày 22-8-2012 về triển khai thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2012-2017, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

 

Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6 (phường Thắng Lợi) nhận giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Pleiku về thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện công tác “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội giai đoạn 2012-2017.                                                                                                        Ảnh: H.T
Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6 (phường Thắng Lợi) nhận giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Pleiku về thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện công tác “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội giai đoạn 2012-2017. Ảnh: H.T

Hàng năm, các đơn vị đã phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết đến cán bộ, hội viên, phụ nữ; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, tập trung giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh-thiếu niên, tuyên truyền phòng-chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngay từ gia đình, cụm dân cư.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục người thân, lực lượng Công an và các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, hiệu quả. Thông qua các buổi sinh hoạt, các cấp Hội đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền lồng ghép những nội dung giáo dục truyền thống; phương pháp quản lý, giáo dục người thân trong gia đình; kiến thức cơ bản về phòng-chống tội phạm; phòng-chống ma túy… thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội phối hợp với lực lượng Công an tổ chức 6.219 buổi tuyên truyền, 248 lớp tập huấn và truyền thông cho 372.473 lượt chị em về các nội dung liên quan đến phòng-chống tội phạm, ma túy, mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, 2 đơn vị còn tổ chức 802 đợt phát động quần chúng phòng-chống tội phạm với 63.577 lượt người tham gia; phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phòng-chống vượt biên, xâm nhập trái phép tại 7 xã biên giới và 1 xã vùng đệm thuộc 3 huyện Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông với sự tham gia của 1.427 hội viên, phụ nữ.

Để có biện pháp phù hợp trong việc quản lý, giáo dục người thân trong gia đình, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã chủ động phối hợp với lực lượng Công an địa phương khảo sát và lập danh sách thanh-thiếu niên hư hoặc có dấu hiệu hư hỏng ở trường học, xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, tìm biện pháp giúp đỡ, quản lý, ngăn chặn tình trạng các em có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội, ma túy trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 5 năm qua đã phát hiện, cảm hóa 659 đối tượng thanh-thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng Công an bắt xử lý 297 đối tượng. Ngoài ra, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của phụ nữ liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; tham gia hòa giải 2.784 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình....

Ngoài ra, lực lượng Công an và Hội LHPN đã hướng dẫn nhân rộng, xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng-chống tội phạm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 76 tên gọi mô hình khác nhau, 508 câu lạc bộ và 526 địa chỉ tin cậy liên quan đến an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống văn minh, văn hóa. Một số mô hình, câu lạc bộ tiêu biểu như: “Gia đình không có người nghiện ma túy”,“Chi hội Phụ nữ không có chồng, người thân mắc tệ nạn xã hội và phạm tội”,“Phụ nữ liên kết phòng-chống tội phạm và phát triển kinh tế”, “Xe loa tuyên truyền”,“Dòng họ tự quản”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Làng tự quản gắn với chốt an ninh trật tự”, mô hình “3 trong 1”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”,  “Phòng-chống bạo lực gia đình”...Các mô hình, câu lạc bộ đã thu hút, tập hợp được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, mang lại hiệu quả thiết thực…

Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả phối hợp phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thời gian tới, lực lượng Công an và các cấp Hội Phụ nữ cần tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” gắn với việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, Hội Phụ nữ các cấp và tính tích cực, tự giác của nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng Công an và các cấp Hội Phụ nữ cần tiếp tục phối hợp củng cố, xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng-chống tội phạm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Lực lượng Công an các cấp cần chủ động cung cấp các thông tin về tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm ở lứa tuổi thanh-thiếu niên để các cấp Hội có định hướng giáo dục, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, làm tốt công tác phòng ngừa từ trong gia đình; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Hội LHPN tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc đấu tranh phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Mỗi người phải là tấm gương mẫu mực trong chấp hành pháp luật, lựa chọn được phương pháp đúng đắn trong quản lý, giáo dục người thân.Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù tại gia đình và cộng đồng dân cư, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng... góp phần làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Thượng tá Phạm Hữu Trường
Phó Giám đốc Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm